Với đặc điểm sông ngòi chằng chịt, lưu lượng phương tiện lưu thông đường thủy khá cao, nên nguy cơ về tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vẫn còn nhiều tiềm ẩn. Đặc biệt, nguy cơ này càng gia tăng khi các phương tiện lưu thông trong mùa mưa bão, lưu thông ban đêm không đủ đèn chiếu sáng, gặp lúc mưa gió, gặp chướng ngại vật trên sông.
Hướng dẫn hành khách mặc áo phao khi đi trên đò ngang
Theo Phòng cảnh sát giao thông đường thủy (PC68), Công an tỉnh Đồng Tháp, tính từ đầu năm đến ngày 19/7, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ TNGT đường thủy, thiệt hại tài sản trên 900 triệu đồng và làm 1 người chết.
Đáng chú ý, chỉ trong tháng 6 và tháng 7 (đầu mùa mưa) đã xảy ra 2 vụ TNGT thủy. Gần đây nhất là vụ TNGT thuộc thủy phận ấp Tân Trung, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò (khu vực cầu Cao Lãnh). Cụ thể, vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 19/7, phương tiện sà lan số đăng ký BV–1197, trọng tải 1.304 tấn (không chở hàng hóa) do Nguyễn Văn Xuân (SN 1979, ngụ ấp Tân Đại, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) làm thuyền trưởng đi hướng từ TP.Sa Đéc đến TP.Cao Lãnh, ngược với lưu tốc dòng chảy. Khi đến thủy phận nói trên đã đâm vào phương tiện số đăng ký ĐT-12276, do Phạm Văn Thái (SN 1983, ngụ ấp Vĩnh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) làm thuyền trưởng, chở 22,5 tấn cá da trơn. Hậu quả, phương tiện ĐT–12276 bị chìm tại chỗ, mất toàn bộ số cá đang chở trên phương tiện (ước trị giá trên 500 triệu đồng), may mắn không thiệt hại về người. Nhận định ban đầu, nguyên nhân tai nạn do sà lan BV–1197 hành trình bị giông lốc, gió giật mạnh làm phương tiện mất chủ động, không còn hoạt động theo sự điều khiển của thuyền trưởng nên đâm vào phương tiện ĐT–12276 đang chạy ngược chiều.
Trước đó, 8 giờ ngày 7/6, trên tuyến sông Tiền thuộc ấp Tây, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình ghe sắt chở trấu đã va chạm với xuồng gỗ thả lưới của ông Đào Văn Khuya (SN 1963, ngụ ấp Nam, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình) làm ông Khuya chết trên đường chở đi cấp cứu và xuồng gỗ bị hư hỏng nhẹ.
Thượng tá Lê Hoàng Trung – Phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường thủy cho biết, để chủ động đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, từ đầu năm đến nay, đơn vị tổ chức nhiều đợt tuyên truyền pháp luật về giao thông đường thủy nội địa đến người tham gia giao thông, đồng thời tổ chức 2.624 ca tuần tra, kiểm soát, qua đó đã xử lý, nhắc nhở 4.639 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường thủy nội địa. Các lỗi vi phạm phổ biến là phương tiện chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; không đăng ký, đăng kiểm; quy định về bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn,... trong đó, nhất là sự chủ quan của hành khách và chủ phương tiện ở các bến đò ngang trong việc mặc cũng như trang bị áo phao, phao nổi cứu sinh, cứu đắm.
Đặc biệt, để tăng hiệu quả phòng ngừa TNGT có thể xảy ra trong mùa mưa bão, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp các các ban, ngành hữu quan tăng cường tuần tra kiểm soát trên sông để kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời trường hợp đưa phương tiện vào hoạt động không qua đăng ký, đăng kiểm; phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật; không trang bị áo phao và dụng cụ sứu sinh, người điều khiển không bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Đồng thời, lực lượng cũng tăng cường kiểm tra tại các bến đò, kịp thời lập biên bản xử lý vi phạm, kiên quyết đình chỉ đối với các bến khách không giấy phép, hoặc không đảm bảo đúng các điều kiện đã được quy định,...
Tuy nhiên, Thượng tá Lê Hoàng Trung nhấn mạnh: “Bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, để bảo bảo an toàn khi tham gia giao thông thủy nhất là trong mùa mưa như hiện nay, chủ phương tiện, phương tiện và hành khách tham gia giao thông cần chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về giao thông thủy nội địa như: phương tiện giao thông (ghe, tàu,...) phải đảm bảo an toàn về kỹ thuật và trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm; người điều khiển phải có bằng, giấy chứng nhận chuyên môn; không chở quá trọng tải quy định... đặc biệt, khi xảy ra giông lốc phải dừng hoạt động và neo đậu phương tiện vào nơi an toàn”.