Chiều 30/8, tại Thanh Hóa, đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trưởng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thanh Hóa về công tác ứng phó với thiên tai.
Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh.
Đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải phát biểu tại buổi làm việc.
Từ đầu năm 2018 đến nay, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã làm 12 người chết, 14 người bị mất tích và 25 người bị thương; 40 nhà bị sập đổ, 8.224 nhà bị thiệt hại, 341 công trình phụ bị hư hỏng, 4 điểm trường học, trạm y tế bị tốc mái, hư hỏng; 15 phương tiện khai thác thủy sản bị thiệt hại; 18.955,4 ha lúa bị thiệt hại... ước tính thiệt hại khoảng 1.010,4 tỷ đồng. Ngoài ra, mưa lũ đã gây sạt lở một số tuyến giao thông quan trọng, như Quốc lộ 15C, Quốc lộ 16 và một số tuyến đường tỉnh khác. Trước tình hình thời tiết, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động ứng phó.
Khi có bão lũ xảy ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thành lập các đoàn công tác do các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh làm trưởng đoàn xuống các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó. Các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác PCTT&TKCN năm 2018. Các huyện, thị xã, thành phố có đê, hồ đập tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước lũ, xác định các vị trí xung yếu và xây dựng phương án bảo vệ. Giao chỉ tiêu cho các địa phương chuẩn bị vật tư dự trữ PCTT&TKCN, tổ chức lực lượng tuần tra canh đê, lực lượng xung kích. Tổ chức rà soát thống kê dân cư sinh sống khu vực nguy hiểm ở bãi sông, vùng trũng thấp, khu vực sát mép nước ven bờ biển, cửa sông khi có bão; khu vực miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và bổ sung, hoàn thiện phương án sơ tán dân khi có sự cố. Đồng thời, kiện toàn ban chỉ huy và văn phòng trực ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp năm 2018; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT&TKCN; tổ chức tu bổ, nâng cấp các công trình PCTT...
Sau khi nghe các ý kiến về công tác chuẩn bị phòng, chống, ứng phó với thiên tai năm 2018 của các ngành, phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đánh giá cao công tác PCTT của tỉnh Thanh Hóa. Là một trong những tỉnh có nhiều kinh nghiệm trong PCTT, nên Thanh Hóa cần hướng đến sự chuyên nghiệp hơn trong lĩnh vực này. Đồng chí đề nghị, tỉnh Thanh Hóa cần kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN có chuyên môn sâu hơn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác PCTT&TKCN của các ngành, địa phương trong tỉnh.
Trong công tác di dân phải chủ động phương án, triển khai chặt chẽ, cụ thể để người dân ủng hộ thực hiện. Về chuẩn bị vật tư và lương thực dự phòng phân phối theo tình hình thực tế của địa phương. Tiếp tục trang bị các trang thiết bị dự báo thiên tai hiện đại để chủ động hơn trong PCTT. Về một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đồng chí Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải ghi nhận và đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tổng hợp báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan giải quyết. Đối với các tuyến giao thông thường xuyên bị ngập lụt và bị sạt lở, Sở Giao thông vận tải chủ động thiết bị, phương tiện xử lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cảm ơn sự quan tâm của Bộ Giao thông vận tải cũng như Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đối với tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua. Đồng thời, đề nghị các ngành có liên quan chủ động tham mưu cho UBND tỉnh và xử lý một số vấn đề theo chỉ đạo của đoàn công tác.
* Trưa 30/8, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Thanh Hóa đã phát đi Công điện số 28, phát lệnh báo động I trên sông Mã. Công điện nêu rõ, theo bản tin dự báo lũ của Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa, mực nước trên sông Mã lúc 10 giờ tại Trạm thủy văn Lý Nhân là 8,25m (dưới báo động I là 1,3m). Dự báo nước sông Mã có khả năng ở trên mức báo động I vào chiều tối cùng ngày và còn tiếp tục lên.
Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Thanh Hóa phát lệnh mức báo động I trên sông Mã. Yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Thanh Hóa và Sầm Sơn: Triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động. Kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý bảo đảm an toàn cho các đoạn đê, kè xung yếu và các cống dưới đê trên địa bàn. Triển khai ngay phương án sơ tán dân sinh sống ở khu vực bãi sông đến nơi an toàn.Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu; thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh.
Một diễn biến khác, từ 23 giờ 30, ngày 28/8, hồ Thủy điện Trung Sơn (Quan Hóa) đã tiến hành xả lũ với lưu lượng 1.800 m3/giây để đưa dần mực nước hồ chứa về cao trình + 150 m. Điều này cũng góp phần làm nước sông Mã phía hạ nguồn dâng cao.