Điện Biên: Chủ động đảm bảo giao thông mùa mưa lũ

Thứ năm, 26/08/2021 09:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, ngành Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên đã triển khai đồng bộ các giải pháp sẵn sàng ứng phó; kịp thời khắc phục sự cố trên các tuyến giao thông, nhất là các tuyến đường huyết mạch. Nhờ đó, từ đầu mùa mưa lũ đến nay, trên một số tuyến giao thông, tại một số vị trí bị sạt lở đất, đá, nhưng đã được lực lượng chức năng kịp thời khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt.

Công nhân Công ty Cổ phần Đường bộ II Điện Biên hót sụt sạt trên tuyến QL12

đoạn qua địa phận xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà.

Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên có hơn 8.757km giao thông các loại; trong đó, Sở Giao thông vận tải được giao quản lý bảo trì 6 tuyến quốc lộ và 8 tuyến tỉnh lộ, với tổng chiều dài gần 830km. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, ngay trước mùa mưa, Sở Giao thông vận tải Điện Biên xây dựng các phương án cụ thể, chi tiết, chuẩn bị tốt mọi điều kiện để xử lý khi có sự cố về hạ tầng giao thông. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra, rà soát từng tuyến đường và công tác chuẩn bị vật tư dự phòng, thiết bị khắc phục sự cố, phương án phân luồng, đảm bảo giao thông khi có tình huống xấu xảy ra. Các đơn vị thành viên thực hiện bảo trì đường bộ, đơn vị sản xuất, chuẩn bị vật liệu đá, rọ thép, vật tư dự phòng lụt bão... Đồng thời, rà soát, đăng ký về số lượng vật tư, xe máy các loại. Từ đó, tổng hợp, lên phương án điều động xử lý, khắc phục kịp thời hậu quả do mưa lũ và tổ chức điều động khi có sự cố xảy ra.

Theo ông Đỗ Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Điện Biên, đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Vì vậy, ngay từ đầu mùa mưa, Sở đã xây dựng kế hoạch, lên phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống mưa lũ xảy ra. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu, điểm dễ gây mất an toàn giao thông làm cơ sở chuẩn bị lực lượng, bố trí phương tiện, máy móc thiết bị, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”. Đối với các đơn vị được giao quản lý đường bộ, Sở yêu cầu tập trung tăng cường phát quang, nạo vét rãnh, thông cống, đắp phụ lề đường, lắp dựng hệ thống cọc tiêu, biển báo, bảo vệ tốt hành lang an toàn giao thông đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông. Đặc biệt, tại các vị trí xung yếu, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, máy móc, thiết bị tại các vị trí nhà cung hạt trên tuyến đường được giao quản lý, không để ách tắc giao thông kéo dài nhiều giờ.

Từ đầu mùa mưa đến nay, tại một số vị trí trên các tuyến đường đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng, tuy nhiên, đều nhanh chóng được khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt, không để ách tắc xảy ra nhiều giờ. Tính đến ngày 13/8, do ảnh hưởng mưa lũ kéo dài, trên các tuyến quốc lộ (4H, 279, 12) đã xảy ra sụt sạt taluy, xói lở một số vị trí thượng, hạ lưu cống, gồm: Sạt ta luy dương hơn 30 nghìn  mét khối với 414 điểm; sạt ta luy âm 109m3 tại 8 điểm.

Mưa lũ làm lề đường hư hỏng, xói trôi hư hỏng 724m2, làm hư hỏng, xói lở cống 9 vị trí; hư hỏng, bổ sung rãnh dọc 933m; đất tắc cống, rãnh dọc 7.662m3. Ước tính kinh phí thực hiện đối với các điểm nhỏ dọc tuyến (chưa bao gồm điểm lớn) hơn 2,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra các sự cố, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tiến hành hót sạt sụt, khơi thông cống rãnh bị lấp tắc, ngoài ra tại một số vị trí sạt lở lớn, Sở đã chỉ đạo cắm biển cảnh báo, rào chắn. Đồng thời, chuẩn bị dự trữ rọ thép khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông thông suốt.

Ông Lương Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đường bộ II Điện Biên cho biết: Do ảnh hưởng các đợt mưa lũ vừa qua, trên các tuyến đường do Công ty quản lý đã xảy ra sụt sạt ta luy dương, ta luy âm, lấp tắc cống, rãnh. Điển hình, khoảng 5 giờ 30 phút sáng ngày 3/8, trên tuyến quốc lộ 12 địa phận từ huyện Mường Chà đi TX. Mường Lay (từ Km118 - Km135) có 8 điểm bị sạt lở với khối lượng đất, đá, bùn lầy tràn xuống đường ước khoảng hơn 2.500m3, gây ách tắc giao thông. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được tin báo, đơn vị đã huy động phương tiện, máy móc khắc phục bước 1 nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến quá trình đi lại của nhân dân. Vì vậy, sau gần 1 giờ, tuyến đường đã thông suốt, đảm bảo phương tiện giao thông lưu thông an toàn.

Với phương án, giải pháp cụ thể của ngành Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên đã và đang góp phần giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo giao thông thông suốt, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

toanld

Nguồn: Báo Điện Biên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)