Do ảnh hưởng của bão số 4, hạ tầng giao thông bị sạt lở, ngập lụt gây tắc đường nhiều vị trí, cây xanh, trụ điện chiếu sáng và trụ cáp quang gãy đổ gây ách tắc giao thông, hệ thống an toàn giao thông trên các tuyến đường hư hỏng nhiều vị trí.
Đất đá, cây cối sạt lở từ ta luy dương xuống gây tắc lưu thông trên QL14D
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Quảng Nam, tính đến 17 giờ chiều ngày 28/9, đường Hồ Chí Minh (nhánh tây) tại Km449+100 sạt lở taluy dương đã thông xe bước 1. Các tuyến cao tốc, Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh (nhánh đông), QL14G, Trường Sơn Đông lưu thông bình thường.
Tuyến Quốc lộ 14D sạt lở ta luy dương 28 vị trí, sạt lở taluy âm tại 2 vị trí, hư hỏng 10 cống và 4.000m rãnh dọc, hư hỏng khoảng 17.000m2 mặt đường, hệ thống an toàn giao thông bị hư hỏng nặng. Tuyến QL14H sạt lở ta luy dương tại 2 vị trí, 300 cây ngã đổ, hệ thống an toàn giao thông bị hư hỏng đang được thống kê. Tổng thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. QL14E sạt lở ta luy dương tại 9 vị trí với tổng khối lượng 3.000m3. Tuyến QL40B sạt lở ta luy dương tại 8 vị trí, xói ta luy âm tại 4 vị trí. Tổng thiệt hại trên các tuyến quốc lộ đến nay ước tính khoảng 16,4 tỷ đồng.
Các tuyến đường tỉnh do Sở Giao thông vận tải Quảng Nam quản lý cũng bị sạt lở ta luy âm, ta luy dương tại nhiều vị trí. Tổng thiệt hại trên các tuyến đường tỉnh được tổng hợp đến nay ước tính gần 2 tỷ đồng.
Trước tình hình thiệt hại do bão số 4 gây ra, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Quảng Nam đã chia đoàn kiểm tra hiện trường, chỉ đạo các đơn vị bảo trì thường xuyên, Thanh tra Sở GTVT cử lực lượng đến hiện trường phối hợp với địa phương và các ngành có liên quan kiểm tra, khắc phục đảm bảo giao thông.
Trong đó, tập trung cưa dọn cây cối ngã đổ, khắc phục sự cố công trình hạ tầng thiết yếu trên tuyến gây cản trở giao thông. Đối với các vị trí ngập lụt gây ách tắt giao thông, đặt biển cảnh báo, đồng thời tổ chức chốt chặn không cho lưu thông.
Đối với các vị trí bị sụt trượt, sạt lở, đơn vị đã cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời dọn đất sạt lở, sụt trượt, khơi thông rảnh thoát nước dọc, đảm bảo nước thoát không chảy tràn ra mặt đường nhằm kịp thời bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Các đơn vị bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa dọn dẹp đảm bảo giao thông bước 1, phối hợp cùng địa phương xác minh thiệt hại. Đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết và chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư để sẵn sàng xử lý, khắc phục khi có sự cố xảy ra để đảm bảo giao thông đi lại được an toàn, thông suốt.