Đây là một nỗ lực chống lại tình trạng chất lượng không khí xấu đi, cũng như cắt giảm khí thải gây biến đổi khí hậu và mở rộng mạng lưới giao thông công cộng.
Giao thông là nguồn thải khí gây hiệu ứng nhà kính gia tăng nhanh nhất
Các chuyên gia về khí hậu vừa cho biết các thành phố châu Á đang chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông chạy bằng điện trong một nỗ lực chống lại tình trạng chất lượng không khí xấu đi, cũng như cắt giảm khí thải gây biến đổi khí hậu và mở rộng mạng lưới giao thông công cộng.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), giao thông là nguồn thải khí gây hiệu ứng nhà kính gia tăng nhanh nhất, trong đó phần lớn mức tăng thải khí vào năm 2030 được cho là đến từ khu vực châu Á đang phát triển.
Phát biểu tại một sự kiện về khí hậu của Liên hợp quốc ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, ông Madan Regmi thuộc Ủy ban kinh tế xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) cho biết hiện mới chỉ có 7 quốc gia châu Á đã đặt mục tiêu giảm khí thải từ giao thông theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhưng nhiều thành phố trong khu vực này đã bắt tay vào hành động.
Theo ông Regmi, các nhà chức trách đang nhận ra rằng họ có thể mở rộng các tuyến đường tàu điện ngầm và chuyển sang sử dụng xe buýt chạy bằng điện, qua đó không chỉ giảm lượng khí thải mà còn giảm tắc đường và cải thiện chất lượng không khí.
Các thành phố cũng đang bổ sung cơ sở hạ tầng cho người đi bộ và đi xe đạp, phương tiện được coi là "chìa khóa" giúp cải thiện cuộc sống.
Theo một báo cáo chất lượng không khí của tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) trong năm nay, 100 thành phố ô nhiễm nhất thế giới chủ yếu nằm ở châu Á, trong đó nhiều thành phố ở Ấn Độ và Trung Quốc.
Giải quyết vấn đề này, năm ngoái, thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc cho biết toàn bộ hệ thống xe buýt gồm hơn 16.000 chiếc của thành phố đã chạy bằng điện.
Thủ đô Bắc Kinh cũng đã cải thiện đáng kể chất lượng không khí bằng cách chuyển sang sử dụng phương tiện chạy bằng năng lượng sạch.
Trong khi đó, Thái Lan đang thử nghiệm phà chạy bằng điện trên các con kênh trong thủ đô Bangkok, thay thế các động cơ sử dụng dầu diesel.
Bộ Giao thông Ấn Độ cũng đã kêu gọi chuyển đổi hoàn toàn sang phương tiện sử dụng điện vào năm 2030.
Tại Philippines, một trong các nước dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của nhiệt độ tăng cao, sự hủy diệt của bão Haiyan năm 2013 đã đẩy nhanh việc chuyển đổi sang xe buýt chạy bằng điện.
Trong khi các phương tiện cũ và gây ô nhiễm nhiều hơn bị loại bỏ, thủ đô Manila và thành phố Tacloban đã ủng hộ việc sử dụng xe buýt chạy bằng điện hoặc năng lượng Mặt Trời.
Chi phí cho xe buýt chạy bằng điện tốn kém gấp 4 lần so với chạy bằng dầu diesel, và cần nhiều điểm sạc điện trên đường.
Vì vậy các nước nghèo khó thực hiện ý tưởng này. Tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa ở Pakistan, gần đây một đội xe buýt "màu hồng" dành cho phụ nữ đã được khởi động nhờ tài trợ của Liên hợp quốc và là loại xe lai hoặc sử dụng công nghệ diesel sạch.
Loại xe này dành cho nữ sinh và phụ nữ đi làm, những người trước đây phụ thuộc vào các phương tiện tư nhân rất đắt đỏ hoặc buộc phải đi phương tiện công cộng với nguy cơ bị quấy rối.
Dự kiến phương tiện giao thông mới này sẽ giúp ích cho 1,4 triệu phụ nữ mỗi năm.
Reza Ozgen, một quan chức sở kế hoạch và đô thị, cho biết loại xe buýt mới này sẽ không chỉ giảm khí thải mà còn tăng tính năng động cho phụ nữ và giúp họ dễ tiếp cận các cơ hội kinh tế, nói cách khác là sẽ đem lại các tác động tích cực về lâu dài.