Cả khu vực tăng sản lượng pin khi ngày càng nhiều hãng ô tô "dấn thân" vào phân khúc ô tô điện.
Khi châu Âu dự kiến dẫn đầu thế giới về doanh số ô tô điện trong năm thứ hai liên tiếp, một cuộc chạy đua để xây dựng chuỗi cung ứng pin cũng đang diễn ra khắp châu lục này.
Sau nhiều năm nhường "mảnh đất" pin ô tô điện cho các hãng nước ngoài, châu Âu đang muốn thực sự tham gia đuộc đua. Các hãng sản xuất triển vọng đang tăng cường sự hiện diện ở Bắc Âu, cũng như ở Đức, Pháp, Anh và Ba Lan trong cuộc cạnh tranh xuyên lục địa nhằm giảm sự thống trị của hai nhà sản xuất pin là CATL (Trung Quốc) và LG (Hàn Quốc).
Nhà máy sản xuất pin của BMW ở Dingolfing, Đức.
Hãng dự kiến một nửa doanh số là xe thuần điện tính đến hết 2030
Với sự hỗ trợ hàng tỷ USD từ các chính phủ và kế hoạch đầu tư tăng nhiều lần chỉ trong vòng một năm, cuộc đua trở thành nhà vô địch đang trở nên gay cấn. Những thí sinh gồm các startup như Northvolt ở Thụy Điển, Britishvolt ở Anh, hay Automotive Cells (ACC) của Pháp.
BloombergNEF ước tính châu lục này có thể chứng kiến thị phần trên toàn cầu tăng lên 31% tính đến hết 2030 từ mức chỉ 7% trong 2020.
Maros Sefcovic, phó chủ tịch giám sát về sáng kiến pin của Ủy ban châu Âu nói: "Chúng ta đang tạo ra một ngành công nghiệp mới ở châu Âu, chúng ta đang tạo ra một hệ sinh thái hoàn toàn mới. Những khoản đầu tư thực sự đang được rót vào đó".
Sefcovic ước tính những khoản đầu tư theo kế hoạch chỉ cho năm 2019 là khoảng 71 tỷ USD, gấp 3 lần khoản được chi ở Trung Quốc. Số tiền này sẽ "phủ sóng" cho toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nguyên vật liệu và phần tử pin đến lắp ráp và tái chế.
Mắc kẹt giữa những quy định ngặt nghèo về khí thải cũng như các khoản phạt nặng nếu vi phạm, doanh số xe điện - cả xe chạy pin và sạc điện - ở châu Âu tăng hơn gấp hai trong 2020, với khoảng 1,3 triệu xe, lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc.
Con số có thể đạt 1,9 triệu xe trong 2021 khi Volkswagen, Stellantis (Fiat Chrysler và PSA sáp nhập thành) và BMW có kế hoạch ra mắt một loạt sản phẩm mới cùng sản lượng tăng lên. Một số thương hiệu gồm Volvo, Jaguar và Bentley cũng có kế hoạch bán xe chạy pin trong khi dòng xe con của Ford ở châu Âu sẽ chỉ gồm xe điện.
Những tham vọng này sẽ đòi hỏi rất nhiều gói năng lượng, và việc ngành công nghiệp ôtô bản địa vốn dựa dẫm vào các nhà cung ứng nước ngoài sẽ chỉ gây ra sự khó chịu cho các chính phủ.
Cuộc chạy đua gầy dựng chuỗi cung ứng địa phương là chắc chắn. Những quốc gia có truyền thống sản xuất ôtô như Đức, Pháp, Italy và Anh sẽ đặc biệt cạnh tranh trong cuộc đua về công nghệ pin và duy trì nền tảng sản xuất tại lãnh địa của mình.
Đức cam kết nhiều nhất là 3 tỷ USD rót vào ngành công nghiệp pin và đang thu hút Tesla, CATL, LG cùng ACC tới kinh doanh.
Jean-Pierre Corniou, một cựu lãnh đạo ở hãng xe Pháp Renault nói: "Mỗi quốc gia đều muốn có một nhà máy pin". Corniou hiện là một đối tác tại công ty tư vấn Sia Partners.
Đang có các kế hoạch cho 27 địa điểm sản xuất pin trên khắp châu lục, Volkswagen đặt cược lớn với kế hoạch ước tính 18 tỷ USD cho 6 nhà máy ở châu Âu, gồm một ở Salzgitter, Đức, và sẽ mở rộng mạng lướng trạm sạc nhanh. Nếu mọi thứ diễn ra đúng như ý định, hãng xe Đức và các đối tác có thể thực hiện cú nhảy cóc và trở thành nhà sản xuất pin thứ hai thế giới chỉ sau CATL, theo BloombergNEF.
Ủy ban châu Âu đặt mục tiêu có ít nhất 30 triệu xe không khí thải chạy trên đường tính đến hết 2030, và tham vọng là các nhà máy ở châu Âu có thể đáp ứng hơn 90% nhu cầu pin. Các hãng ô tô châu Âu đang chịu áp lực đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải khắt khe của Liên minh châu Âu (EU), trong khi chi tiêu của khách hàng dự kiến bùng nổ sau thời kỳ phong tỏa vì dịch bệnh.
Nhu cầu về pin dự được dự báo rất cao nên sản lượng khó có thể đáp ứng tính đến cuối thập kỷ này, theo phân tích của UBS Group. Thị trường đã có, nhưng cũng rất khó để các startup kịp bắt nhịp.
CATL, Panasonic và LG, tất cả đều đã dành hàng năm trời hiệu chỉnh hoạt động tại châu Á và Mỹ trước khi chuyển tới châu Âu.
CATL, nhà sản xuất pin sạc lớn nhất, sẽ đầu tư 12 tỷ USD để tăng thêm 230 GWh dung lượng trên toàn thế giới trong vòng 4 năm tới. Ningde, hãng có trụ sở tại Trung Quốc, sẽ cung ứng cho phần lớn các thương hiệu xe điện toàn cầu, và có kế hoạch bắt đầu sản xuất tại Đức trong năm nay.
Còn có Elon Musk. Tesla là hãng sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới, bán được khoảng một nửa triệu xe trong 2020, và có kế hoạch lắp ráp Model Y cũng như sản xuất pin tại Đức nhằm đáp ứng nhu cầu ở thị trường châu Âu.
Những hành động của Musk đang trở thành thỏi nam châm đối với các nhà cung ứng xe điện và châm ngòi cho sự phục hưng của ngành công nghiệp bản địa. Sự tinh thông này đang khiến các đối thủ nản lòng, theo Isobel Sheldon, Giám đốc chiến lược của Britishvolt nhận xét.
Đối với các startup, Northvolt - do các cựu nhân viên của Tesla lập ra - đang đi trước các đối thủ khác. Hãng đã đạt được thỏa thuận hỗ trợ 14 tỷ USD từ Volkswagen và một khoản khác với BMW, cũng như đang chuẩn bị sản xuất pin vào cuối năm nay ở Skelleftea, Thụy Điển. Northvolt muốn chiếm 25% thị phần pin ở châu Âu tính đến hết 2030, theo chia sẻ của giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập hãng, Peter Carlsson.
Các hãng ô tô "đang nỗ lực hơn với những kế hoạch điện khí hóa và xem xét nhu cầu về pin đang tăng lên", theo Jesper Wigardt, một đại diện của Northvolt. "Chúng tôi sẽ phải đánh giá mục tiêu liên tục của mình", Wigardt nói.
Britishvolt - với sự cố vấn của cựu Phó chủ tịch phát triển sản phẩm châu Âu của Ford, Joe Bakaj - có kế hoạch bắt đầu xây dựng một nhà máy khoảng 3,6 tỷ USD ở phía đông bắc nước Anh vào cuối năm nay. Startup này đang thảo luận với các hãng sản xuất xe điện ở Anh, châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
Bên cạnh đó là liên doanh giữa Stellantis - tập đoàn ôtô mới thành lập từ sự sáp nhập của Fiat Chrysler Automobiles và Peugeot S.A - và gã khổng lồ Total. Còn ACC, thay vì khởi nghiệp từ bàn tay trắng, đã lên kế hoạch sản xuất pin từ hai nhà máy vốn sản xuất linh kiện ô tô.