Việc giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ góp phần gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác như thương mại, du lịch, dịch vụ...
Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 6, sáng 31/12 vừa qua, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.
Mức thuế mới là 1.500 đồng/lít (giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH về Biểu thuế bảo vệ môi trường) để tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp vận tải hàng không trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Mức thuế này được áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Từ tháng 1/1/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ là 3.000 đồng/lít.
Các đại biểu nhất trí đánh giá rằng theo dự báo, trong năm 2022 ngành hàng không tiếp tục chịu tác động của đại dịch COVID-19 với những diễn biến khó lường, thị trường hàng không nội địa có thể phục hồi từng bước nhưng còn nhiều khó khăn, riêng thị trường quốc tế sẽ cần một thời gian dài để có thể phục hồi.
Việc giảm 30% so với mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ tháng 7/2020 đến hết năm 2021 đã góp phần giảm giá nhiên liệu bay, giảm chi phí nhiên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp vận tải hàng không để bù đắp một phần chi phí.
Tuy nhiên, mức hỗ trợ thực tế qua giảm thuế bảo vệ môi trường trong năm 2021 là rất nhỏ do số lượng chuyến bay được vận hành không đáng kể. Vì vậy, ngành hàng không cần tiếp tục được hỗ trợ trong năm 2022 với mức độ cao hơn để giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động, tăng cường khả năng phục hồi sau khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ việc giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường trong năm 2022 là giải pháp phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước tại các Nghị quyết số 124/2020/QH14, số 30/2021/QH15 và số 32/2021/QH15 của Quốc hội, trong đó có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn sau dịch.
Bên cạnh đó, việc quy định cụ thể mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 1.500 đồng/lít là đảm bảo trong khung mức thuế bảo vệ môi trường đã được quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường. Việc giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ góp phần gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác như thương mại, du lịch, dịch vụ...
Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 1.500 đồng/lít (giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH ngày 26/9/2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường), cao hơn mức giảm so với năm 2020 và 2021 (giảm 30%).
Tác động giảm thu đối với ngân sách Nhà nước theo tính toán của Chính phủ là khoảng 1.584 tỷ đồng (với phương án tiêu thụ theo mức bình quân năm của hai năm 2020-2021).
Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng theo dự kiến, trong năm 2022 các doanh nghiệp vận tải hàng không tiếp tục sụt giảm doanh thu lớn, thua lỗ, mất cân đối thanh toán, đối mặt với nguy cơ phá sản cao.
Ngoài ra, tác động tới giảm thu ngân sách Nhà nước khi thực hiện chính sách điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay như Tờ trình của Chính phủ là không lớn. Do đó, để tăng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với các hãng hàng không thì cần điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống là 1.000 đồng/lít.
Mức thuế này vẫn là mức sàn trong khung thuế bảo vệ môi trường được quy định tại Luật Thuế Bảo vệ môi trường từ 1.000-3.000 đồng/lít.