Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa xây dựng mới 23,723 km, quy mô cấp III đồng bằng, tổng mức đầu tư 2.242 tỷ đồng... Hiện các địa phương có dự án đi qua đã và đang tập trung thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) để bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Thi công cầu Lạch Sung
Dự án có 2 gói thầu thi công là số 5 và số 6, trong đó gói thầu số 5 (đoạn Km0+00 - Km7+645) qua địa bàn huyện Nga Sơn, nhà thầu là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, giá trị hợp đồng 588,437 tỷ đồng. Hiện nhà thầu đang tập trung huy động nhân lực, phương tiện, thiết bị, xe, máy, vật tư đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm môi trường trong quá trình thi công.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, đến hết tháng 4/2022, huyện Nga Sơn đã bàn giao phần đất nông nghiệp được 6,94 km/7,12 km, đạt 97,5% và đã hoàn thành di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Phần đất thổ cư dài 0,18 km, có 7 hộ dân (trong đó 2 hộ phải bố trí tái định cư, 5 hộ tái định cư tại chỗ) và hiện tại các hộ vẫn chưa thống nhất về đơn giá bồi thường. Bên cạnh đó, hiện bãi đổ đất thải trong quá trình đào thi công nền đường đang chờ UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022, huyện mới có cơ sở thu hồi đất, thực hiện GPMB để bàn giao cho nhà thầu. Khi huyện Nga Sơn bàn giao mặt bằng đến đâu, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi triển khai nhân lực, phương tiện, thiết bị, xe, máy, vật tư thi công ngay đến đó. Đến hết tháng 4-2022, nhà thầu thi công 17,2 tỷ đồng/587,394 tỷ đồng.
Qua tìm hiểu thực tế tại công trường thi công, chúng tôi được biết: Hiện Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi đang triển khai 5 mũi thi công đào vét hữu cơ, rải vải địa kỹ thuật, đắp nền đường, thi công cầu Mỹ Liên, cầu Lạch Sung. Trong đó, phần thi công đào vét hữu cơ, nhà thầu đã thực hiện với chiều dài đường hơn 2 km (trong đó, chủ yếu 1 bên đường) với khối lượng khoảng 6.000 m3, nhưng hầu hết đất thải vẫn để bên đường…
Tháng 2/2022, Trạm Biên phòng Hói Đào đề nghị xin nhà thầu đất để đắp, cải tạo mặt bằng trong khuôn viên đơn vị và được UBND xã Nga Tân, UBND huyện Nga Sơn có văn bản đồng ý. Cự ly đổ đất thải phù hợp dự án, không tăng thêm kinh phí của gói thầu và để bảo đảm tiến độ thi công theo kế hoạch, hiện nhà thầu đã đổ khoảng 1.000 m3 đất thải theo đề nghị của Trạm Biên phòng Hói Đào.
Đất thải hiện vẫn còn để ven đường
Bên cạnh đó, trong quá trình thi công, do nguồn cung cấp cát đắp nền đường về công trường chậm nên không bảo đảm thi công liên tục, trong đó mũi thi công số 1 phải dừng thi công. Những ngày đầu tháng 5/2022 do chưa có bãi đổ đất thải theo quy định của dự án (tại xã Nga Tân), nguồn cát cung ứng để đắp nền thiếu, nên chỉ một số xe ô tô tải, máy xúc, máy lu… thi công trên công trường và phần lớn xe, máy còn lại tạm dừng hoạt động, để tại bãi ở hai xã Nga Thủy, Nga Tân...
Trong quá trình thi công gói thầu, nhà thầu luôn quan tâm thực hiện tốt công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, đổ đất thải đúng quy định. Đồng thời, những ngày trời nắng bụi, nhà thầu huy động 2 xe tưới nước để bảo đảm môi trường trong quá trình thi công.
Kỹ sư Đặng Văn Nam, cán bộ Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, Chỉ huy trưởng công trường, cho biết: Hiện Tập đoàn huy động 40 lao động, 10 máy xúc, 5 máy lu, 15 xe ô tô tải, 5 máy ủi, 2 xe tưới nước… phục vụ thi công gói thầu của dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển. Hiện Tập đoàn đang tranh thủ những này thời tiết thuận lợi, làm tăng thời gian để đẩy nhanh tiến độ thi công và phấn đấu trong năm 2022 sản lượng thi công đạt khoảng 250 tỷ đồng.
Trong quá trình thi công dự án, Tập đoàn gặp phải những khó khăn, vướng mắc đó là hiện chưa có bải đổ đất thải, nguyên liệu là cát đắp nền đường hiện đang vận chuyển qua sông Lèn, nhưng vào ban đêm nước thủy triều lên tàu mới vào được và đến sáng sớm ngày hôm sau mới thực hiện bơm lên bờ và Tập đoàn vận chuyển đắp nền đường. Tuy nhiên, hàng ngày mới cung ứng được 500 m3 cát và mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu theo kế hoạch thi công của Tập đoàn đã đề ra. Hiện nhà thầu mới đắp nền đường bằng cát được 25.000 m3/tổng 240.000 m3.
Để bảo đảm tiến độ của dự án, Tập đoàn đã tính đến phương án vận chuyển cát bằng đường bộ, nhưng giá tăng lên đến 1,5 lần so với dự toán được duyệt, nên rất khó khăn trong việc quyết định phương án này. Ngoài ra, trong quá trình thi công gói thầu của dự án, giá xăng, dầu (chủ yếu là dầu) tăng gần gấp đôi; giá sắt, thép, xi măng tăng khoảng 40% so với dự toán được duyệt.
Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa Trần Đức Trọng cho biết: Để bảo đảm tiến độ thi công gói thầu số 5 của dự án, Ban đề nghị UBND huyện Nga Sơn khẩn trương giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Đồng thời, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công gói thầu dự án của nhà thầu, Ban đã có văn bản gửi Sở GTVT để Sở phối hợp với các sở, ngành có liên quan báo cáo UBND tỉnh sớm giải quyết nhằm tạo thuận lợi trong quá trình thi công của nhà thầu.
Đi đôi với đó, Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa đã làm việc với nhà thầu và yêu cầu nhà thầu tập trung huy động tối đa nhân lực, xe, máy, vật liệu, thiết bị, tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi làm tăng thời gian để triển khai đồng thời tất cả các mũi thi công nền đường, nhất là thi công các cầu Mỹ Liên, Lạch Sung.