Việc thử nghiệm giám sát rác thải nhựa bằng máy bay không người lái, ban đầu cho thấy phương pháp này có thể phát hiện chính xác ngay cả những đám rác thải nhựa nhỏ trôi nổi ở các vùng nước ven biển.
Máy bay không người lái ven biển
Trước thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa ven biển đang gây ra các tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, gây nguy hiểm cho các loài sinh vật biển; mới đây, các nhà khoa học của Cục Viễn thám quốc gia, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cùng một số trường Đại học... đã nghiên cứu thành công mô hình phát hiện rác thải nhựa ven biển thông qua việc sử dụng ảnh máy bay không người lái để giám sát tự động.
Nghiên cứu trên nhằm cung cấp cách tiếp cận mới cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý vùng ven biển có ý định sử dụng ảnh máy bay không người lái để giám sát tự động và đánh giá mối đe dọa môi trường từ các phân mảnh rác thải biển.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Minh Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, trong nghiên cứu trên, nhóm tác giả đã tập trung áp dụng thuật toán học sâu dựa trên mạng nơ-ron tích chập (DCNN) để phát hiện và chiết tách rác thải nhựa từ các hình ảnh được chụp bằng máy bay không người lái.
Theo đó, mô hình DCNN đã được áp dụng để phát hiện các đám nhựa/mảnh vỡ trôi nổi tại khu vực ven biển Hội An (tỉnh Quảng Nam).
Kết quả cho thấy những bãi rác nhựa trôi nổi này hấp thụ và phản xạ ánh sáng, tạo ra những dấu hiệu quang phổ rất đặc biệt. Đây chính là yếu tố mà hệ thống dựa vào để phát hiện và phân biệt chúng với các dạng vật thể trôi nổi khác.
Việc thử nghiệm ban đầu cho thấy phương pháp này có thể phát hiện chính xác ngay cả những đám rác thải nhựa nhỏ trôi nổi ở những vùng nước ven biển, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian cũng như công sức dò tìm rác thải và làm sạch bãi biển.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang đề xuất kế hoạch cải tiến kỹ thuật để có thể phát hiện chính xác đám rác thải nhựa trôi nổi ở những vùng nước ven biển đục và thậm chí tại các khu vực cửa sông với dòng chảy phức tạp hơn.
Trong tương lai gần, các nhà nghiên cứu hy vọng phương pháp này sẽ được sử dụng để giám sát tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa và hỗ trợ các hoạt động dọn dẹp rác thải nhựa đại dương trên quy mô lớn.