Theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Môi trường Châu Âu (EEA), hơn 41 triệu người từ 19 nước trong khu vực phải chịu đựng tiếng ồn của đường sá ở mức từ 55 decibel trở lên - mức cao nhất cho phép của Tổ chức Y tế thế giới.
Trong số các thủ đô Châu Âu, Bratislava của Slovakia là thành phố ồn ào nhất, với gần 55% dân số chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn, tiếp theo sau là Warsaw của Ba Lan và Paris của Pháp.
Cũng theo báo cáo của EEA, khoảng 3.6 triệu dân thành phố phải chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn ở mức độ 70 decibel hoặc cao hơn.
Trong báo cáo trên, có rất nhiều nước như Pháp, Bồ Đào Nha, Bỉ và Hy Lạp chưa cung cấp đầy đủ số liệu trước tháng 12 năm 2007. Mặc dù vậy, đầu năm nay, EEA đã ước tính khoảng 67 triệu dân thành phố ở 27 nước thuộc Liên minh Châu Âu phải chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn trên 55 decibel.
"Bên cạnh việc gây mất ngủ, ô nhiễm tiếng ồn còn có thể ảnh hưởng tới hệ tim mạch và thần kinh" - Oscar Romero, người phát ngôn của EEA cho biết. Ông này cũng nhấn mạnh, ô nhiễm tiếng ồn chưa được quan tâm đúng mức, nếu như so với mối quan tâm tới chất lượng không khí hay khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các nhà khoa học cũng chậm trễ trong việc đưa ra những nghiên cứu độ ảnh hưởng của tiếng ồn tới sức khỏe. Trong khi đó, ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng tới số đông người dân ở Hà Lan, Đức, đặc biệt là Anh.
Năm 2002, 32 thành viên của EAA đã thông qua bản Hướng dẫn về tiếng ồn môi trường, theo đó cam kết cung cấp thông tin về mức độ ô nhiễm tiếng ồn từ đường bộ, đường sắt và đường hàng không.