Hiện nay, chất lượng không khí tại nhiều tuyến đường trên địa bàn Đồng Nai thường bị ô nhiễm. Để giữ môi trường không khí được trong lành là bài toán rất khó. Thực tế, diễn biến chất lượng không khí tốt hay xấu dọc theo các tuyến đường giao thông phụ thuộc rất lớn vào mật độ giao thông, thời gian tham gia giao thông và hạ tầng kỹ thuật giao thông. Trong đó, các phương tiện lưu thông như ô tô, xe máy góp phần không nhỏ vào việc gây ô nhiễm môi trường không khí.
Hiện nay, chất lượng không khí tại nhiều tuyến đường trên địa bàn Đồng Nai thường bị ô nhiễm. Để giữ môi trường không khí được trong lành là bài toán rất khó.
Thực tế, diễn biến chất lượng không khí tốt hay xấu dọc theo các tuyến đường giao thông phụ thuộc rất lớn vào mật độ giao thông, thời gian tham gia giao thông và hạ tầng kỹ thuật giao thông. Trong đó, các phương tiện lưu thông như ô tô, xe máy góp phần không nhỏ vào việc gây ô nhiễm môi trường không khí.
* Nhiều tuyến đường ô nhiễm nặng
Qua kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc Đồng Nai (Sở Tài nguyên và môi trường), chất lượng môi trường không khí tại các nút giao thông trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2010, 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 đều bị ô nhiễm bụi lơ lửng, tiếng ồn và benzen. Trong đó, nồng độ ô nhiễm về bụi lơ lửng, tiếng ồn tăng dần từ 11 giờ trưa trở đi và tăng rất cao vào các giờ cao điểm.
Về ô nhiễm đối với thông số benzen, năm 2011, Trung tâm Quan trắc tiến hành lấy mẫu tại 10 nút giao thông trọng điểm trong tỉnh, phát hiện nồng độ vượt quá mức cho phép, cao nhất ở ngã tư Hóa An (TP. Biên Hòa). Qua 6 tháng đầu năm 2012, chỉ phát hiện ô nhiễm bezen ở ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất), ngã tư Chợ Sặt, ngã tư Biên Hùng (TP. Biên Hòa) và ngã ba Dầu Khí (huyện Nhơn Trạch). Điều này cho thấy, chất lượng không khí tốt hay xấu dọc các trục lộ giao thông lệ thuộc vào mật độ, thời gian tham gia giao thông của các phương tiện ô tô, xe máy.
Ông Nguyễn Văn Sứ, nhà gần ngã tư Hóa An thuộc xã Hóa An (TP.Biên Hòa), cho biết: “Đoạn đường này suốt ngày ô tô, xe máy rần rần chạy qua, bụi mù mịt. Vì thế, gia đình tôi phải làm nhà vào sâu phía trong để bớt bụi và ồn, còn phía trước giáp đường lộ không ở nổi, chỉ để mở quán tạp hóa nhưng ngày nào cũng phải lau chùi vì bụi bám ghê gớm!”.
Ô nhiễm không khí, tiếng ồn tác động trực tiếp đến người tham gia giao thông và dân cư sống dọc các tuyến đường. Nếu ô nhiễm về bụi, tiếng ồn, benzen thường xuyên vượt quá mức cho phép sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người cả hiện tại lẫn lâu dài.
* Khắc phục khó khăn
Vì nguồn thải phụ thuộc vào mật độ, số lượng và chất lượng của phương tiện nên việc kiểm soát ô nhiễm không khí thường rất khó khăn. Ông Phạm Văn Diệp, Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an Đồng Nai, cho biết: “Tổng số xe ô tô tỉnh quản lý đến thời điểm này trên 62 ngàn chiếc, mô tô hơn 1,4 triệu chiếc. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, số xe ô tô, mô tô đăng ký mới tăng 15% so với cùng kỳ năm 2011. Ngoài số phương tiện tỉnh quản lý, lượng xe ô tô, mô tô vãng lai lưu hành trên địa bàn khá lớn. Trung bình mỗi ngày chỉ riêng ba tuyến quốc lộ 1A, 20 và 51 đã có khoảng 250 ngàn lượt phương tiện ô tô, mô tô lưu hành”.
Theo tính toán của Trung tâm Quan trắc Đồng Nai, một xe ô tô chạy 1.000km sẽ thải 0,07-0,8kg bụi và nhiều loại khí gây hại khác, như: CO, VOC, SO2, NOx. Tương tự, xe máy chạy 1.000km sẽ thải ra 0,12 - 6,7 kg bụi và hàng loạt các loại khí gây hại như xe ô tô. Các loại khí hại thải ra nhiều khi gặp mưa sẽ tạo thành mưa acid ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cây trồng và vật nuôi. Đồng thời, con người hít phải nhiều có thể gây ra bệnh về đường hô hấp và một số bệnh khác. Làm một phép tính nhanh, với 3 tuyến quốc lộ qua tỉnh chỉ cần mỗi lượt phương tiện chạy 10km cũng thải ra gần 2 tấn bụi/ngày và hàng trăm tấn khí gây hại khác.
Tuy đã có nhiều cảnh báo việc ô nhiễm môi trường không khí, nhưng việc khắc phục rất khó khăn. Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên Việt Nam, cho biết: “Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, người dân chạy xe máy không nên dùng các loại xăng có chì như xăng A82. Các khu vực đô thị, chính quyền địa phương khuyến khích người dân sử dụng phương tiện xe buýt, giảm lượng xe gắn máy lưu hành và khí thải. Đồng thời, các loại xe ô tô, xe gắn máy phải được chính quyền các cấp quản lý chặt các khâu đăng kiểm”.
Theo một số chuyên gia về môi trường, muốn hạn chế ô nhiễm môi trường không khí, cần thay đổi các phương tiện lạc hậu bằng phương tiện sạch, như: xe điện, xe sử dụng nhiên liệu sạch. Bên cạnh đó, quy hoạch đô thị hợp lý từ phân khu chức năng đô thị và tăng mật độ cây xanh trong đô thị.
Cườnghm - Theo baodongnai.com.vn