Theo Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, số liệu quan trắc gần trục giao thông trong năm 2010 và 2011 cho thấy, ô nhiễm bụi tại Hà Nội cao hơn hẳn các tỉnh, thành còn lại và vượt quy chuẩn Việt Nam trung bình từ 2-3 lần.
Theo Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, số liệu quan trắc gần trục giao thông trong năm 2010 và 2011 cho thấy, ô nhiễm bụi tại Hà Nội cao hơn hẳn các tỉnh, thành còn lại và vượt quy chuẩn Việt Nam trung bình từ 2-3 lần.
Nguyên nhân chính là do mật độ phương tiện giao thông lớn và ảnh hưởng từ hoạt động xây dựng. Giai đoạn 2010-2013, số ngày có chất lượng không khí kém tại Hà Nội chiếm tới 40-60% tổng số ngày quan trắc trong năm. Thậm chí, có một số ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng xấu và nguy hại.
Hậu quả của cái sự “hơn hẳn” này cũng rất nhỡn tiền: theo kết quả nghiên cứu đến tháng 12/2010 của Cục Y tế (Bộ Giao thông vận tải), tỷ lệ bị mắc bệnh hô hấp ở Hà Nội cao hơn TP.HCM (mặc dù cũng có một phần là do chịu tác động của biến đổi thời tiết mạnh hơn, đặc biệt về mùa đông).
Tính ra, tổng chi phí khám, chữa bệnh về đường hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm đối với người lớn, chi phí nghỉ việc chăm sóc trẻ em cũng như người lớn mắc bệnh đường hô hấp (chưa tính thiệt hại chết non do ô nhiễm không khí) với dân cư nội thành Hà Nội bằng khoảng 2 lần TP.HCM và thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh hô hấp ở Hà Nội (chỉ tính trên 2,5 triệu dân nội thành) là 66,83 triệu USD/năm.
Đáng nói nữa là không khí ở các đô thị đặc biệt này không chỉ bị ô nhiễm bởi nồng độ bụi cao mà còn có nồng độ Nox trong không khí vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Trong khi đó, việc ngăn chặn ô nhiễm không khí; buộc người gây ra ô nhiễm phải trả tiền xử lý… lại rất khó khăn, bởi chưa có những giải pháp hữu hiệu để kiểm kê được nguồn phát thải. Trên địa bàn toàn quốc, hiện chỉ có hơn 20 trạm quan trắc không khí còn đang hoạt động. Có tới 10 trạm quan trắc tại TP.HCM đã dừng hoạt động, vì… không có kinh phí hoạt động!
Quả thực, đã đến lúc phải rà soát, sửa đổi, ban hành bổ sung các văn bản chính sách, pháp luật đặc thù về môi trường không khí. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý môi trường không khí từ Trung ương đến địa phương cần được củng cố hoạt động và phải thực sự chịu trách nhiệm nếu hoạt động không hiệu quả. Tất nhiên, “không bột chẳng gột nên hồ”, kinh phí cho công tác này cần được bố trí hợp lý, trong đó không thể thiếu sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, dân cư.
Âu cũng là lẽ công bằng (?), bên cạnh nhiều “vượt trội”, để trở thành một “nơi đáng sống”, ở tiêu chí môi trường không khí trong lành, Hà Nội nói riêng và nhiều đô thị lớn của nước ta cần phải phấn đấu để bằng được… nông thôn!
Nguồn: baohaiquan.vn