TPHCM: Mở đường ưu tiên cho xe buýt

Thứ hai, 22/02/2016 13:44
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Liệu sự đi xuống của hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TPHCM có được ngăn chặn? Giải pháp nào để thực hiện mục tiêu trên? PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Đậu An Phúc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM về vấn đề này.

° PV: Liên tiếp những năm gần đây, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở TPHCM sụt giảm sản lượng. Vậy Trung tâm Quản lý Điều hành Vận tải hành khách công cộng TPHCM dự định sẽ bắt đầu vực dậy hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ đâu, bằng cách nào?

- Ông ĐẬU AN PHÚC: Sở Giao thông vận tải và Trung tâm Quản lý Điều hành Vận tải hành khách công cộng đã xây dựng nhiều giải pháp để vực dậy hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Trong đó, một trong những việc ưu tiên là nghiên cứu mở đường ưu tiên cho xe buýt hoạt động. Tuy nhiên, do đa phần đường của thành phố là đường nhỏ nên việc này sẽ phải được thực hiện từng bước, có rút kinh nghiệm thực hiện ở từng tuyến đường sau đó mới mở rộng ra. Các tuyến đường trục sẽ được xem xét đầu tiên. Cụ thể, trong năm nay, sở sẽ nghiên cứu mở đường ưu tiên cho xe buýt trên trục đường Điện Biên Phủ - Xa lộ Hà Nội. Trục đường này có rất nhiều tuyến xe buýt đi qua, chuyên chở hành khách đi từ trung tâm thành phố tới làng đại học trên quận Thủ Đức, tới khu du lịch Suối Tiên, khu công nghệ cao…

Song song với công việc nêu trên, Sở Giao thông vận tải và Trung tâm Quản lý Điều hành Vận tải hành khách công cộng cũng sẽ đặt ra yêu cầu buộc các đơn vị vận tải phải nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Trước đây, Trung tâm Quản lý Điều hành vận tải hành khách công cộng thường “đặt hàng” (giao tuyến cho các đơn vị vận tải - PV) các đơn vị vận tải theo từng năm. Năm nay, những đơn vị vận tải có dịch vụ phục vụ hành khách tốt vẫn được giao việc với thời gian như vậy, nhưng những đơn vị vận tải có chất lượng phục vụ kém hơn sẽ chỉ được giao tuyến trong 6 tháng. Nếu làm tốt, họ sẽ tiếp tục được giao tuyến, ngược lại, Trung tâm sẽ xem xét, giao tuyến cho đơn vị khác có chất lượng hoạt động tốt hơn. Hiện cũng đã có một số đơn vị vận tải mới mong muốn được tham gia hoạt động vận tải. Đây cũng sẽ là động lực để các đơn vị kinh doanh xe buýt hiện hữu phải chủ động nâng chất lượng hoạt động lên.

Trục đường Điện Biên Phủ - Xa lộ Hà Nội sẽ được nghiên cứu mở đường ưu tiên xe buýt.
Trong ảnh: Xe buýt chạy trên đường Điện Biên Phủ

° Với phương tiện vận tải hầu hết đã xuống cấp, thải khói đen ra môi trường (do xe buýt được sản xuất cách nay trên 10 năm, không tuân theo bất cứ tiêu chuẩn nào về khí thải), việc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và tạo hình ảnh xe buýt thân thiện với môi trường để hấp dẫn người đi, liệu có thành công?

- Cho đến thời điểm hiện nay đã có hơn 500 xe buýt được các đơn vị vận tải quyết tâm thay thế từ nay đến cuối năm. Sở Giao thông vận tải và Trung tâm Quản lý Điều hành vận tải hành khách công cộng sẽ tạo mọi điều kiện để các đơn vị vận tải thực hiện được kế hoạch này. Và một khi điều này đã được thực hiện, có nghĩa khoảng 50% xe buýt cũ kỹ của thành phố sẽ được đổi mới. Chưa hết, xe buýt TPHCM sẽ thực sự thân thiện với môi trường hơn bởi hơn 50% số xe dự định được đổi mới trong năm nay là xe buýt sử dụng khí CNG. Số xe buýt còn lại sẽ buộc phải tuân thủ theo tiêu chuẩn khí thải Euro 2 nên cũng hạn chế được tình trạng thải khói xe, gây ô nhiễm môi trường. Sở Giao thông Vận tải và Trung tâm Quản lý Điều hành vận tải hành khách công cộng cũng sẽ khuyến khích các đơn vị vận tải ưu tiên đổi mới xe buýt ở những tuyến đi qua các khu dân cư có mật độ lưu thông cao nhằm từng bước góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường do khí thải xe cơ giới nói chung gây ra.
 
° TPHCM có hơn 1.300 xe buýt đã xuống cấp, việc đổi mới 500 xe trong năm nay là dấu hiệu tích cực cho thấy các đơn vị vận tải cũng như các cơ quan chức năng đang nỗ lực chấn chỉnh lại hoạt động xe buýt. Tuy nhiên, với hơn 800 xe buýt cũ kỹ còn lại, người dân vẫn e ngại chất lượng phục vụ không được tốt, xe tiếp tục thải khói đen làm ô nhiễm môi trường thành phố…

- Đối với những xe buýt cũ kỹ, chưa được thay mới, Sở Giao thông vận tải đã cho thành lập tổ công tác bao gồm Trung tâm Quản lý Điều hành Vận tải hành khách công cộng, thanh tra giao thông, lực lượng đăng kiểm... Tổ công tác này sẽ tiến hành kiểm tra liên tục, thường xuyên công tác duy tu, bảo dưỡng xe buýt của các đơn vị vận tải với mục tiêu làm hạn chế tối đa tình trạng xe buýt không được bảo trì đúng quy định, không đủ điều kiện kỹ thuật để phục vụ hành khách, thải khói đen, gây ô nhiễm môi trường. Cũng phải nói thêm, số xe buýt cũ kỹ, xuống cấp còn lại, theo kế hoạch đã được hoạch định trong Dự án đổi mới 1.680 xe buýt của TPHCM (trong đó có việc đổi mới 500 xe buýt trong năm nay) sẽ phải hoàn thành trong năm 2017. Như vậy, Trung tâm Quản lý Điều hành Vận tải hành khách công cộng có cơ sở để tin rằng, tình trạng xe buýt cũ kỹ, kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường ở TPHCM sẽ sớm được khắc phục.

° Cùng với việc đổi mới xe buýt, công tác phục vụ hành khách của đội ngũ tài xế, tiếp viên, công tác hỗ trợ các đơn vị vận tải hoạt động của Trung tâm Quản lý Điều hành vận tải hành khách công cộng có được cải thiện?

- Trung tâm sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách của đội ngũ tài xế, tiếp viên. Đặc biệt, sẽ nhân rộng mô hình thanh niên xung phong trực tiếp bán vé và thu tiền vé xe buýt. Việc tách bạch hoạt động vận tải với việc bán vé, thu tiền và kiểm soát vé làm cho hoạt động vận tải được minh bạch hơn, các đơn vị vận tải có điều kiện chuyên tâm vào công tác chuyên môn. Chưa kể, với màu áo xanh của thanh niên xung phong cũng sẽ giúp công tác ngăn ngừa tội phạm móc túi, cướp giật… trên xe buýt tốt hơn. Trung tâm Quản lý Điều hành vận tải hành khách công cộng cũng sẽ phải tập trung nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và các đơn vị vận tải tại các điểm bến bãi.

° Cảm ơn ông!
 

Đã chuẩn bị sản xuất đủ xe buýt mới thay thế xe buýt cũ - See more at: http://sggp.org.vn/antoangiaothong/2016/2/412421/#sthash.Hs0K3Bgm.dpuf

Đã chuẩn bị sản xuất đủ xe buýt mới thay thế xe buýt cũ

Đó là khẳng định của ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) khi được hỏi về việc có đảm bảo cung ứng đủ xe buýt mới cho nhu cầu đổi mới xe buýt của TPHCM. Theo dự án đổi mới 1.680 xe buýt của TPHCM, Samco được giao nghiên cứu sản xuất xe buýt mới cho thành phố, trong đó đặc biệt có 300 xe buýt mới sử dụng khí CNG làm nhiên liệu.

Theo ông Trần Quốc Toản, cách đây 3 năm, Samco đã sản xuất thành công xe buýt sử dụng khí CNG và hiện đã có hàng chục xe buýt sử dụng khí này hoạt động trong hệ thống vận tải hành khách công cộng của thành phố. Theo Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường, thành phần hóa học của khí nén CNG chủ yếu là CH4 (từ 70%-90%, tùy theo nơi khai thác) và một số khí khác như Ethane (1%-8%), Propane (2%), Butan và Pentan (nhỏ hơn 1%). Khí CNG thiên nhiên cũng chứa một lượng nhỏ khí trơ như Nitơ (0,2%-5%), CO2 (0,2%-9%). Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, khí thải của xe chạy bằng khí CNG tốt cho môi trường gấp nhiều lần so với khí thải của xe sử dụng xăng, dầu. Khí thải của xe chạy bằng khí CNG có nồng độ CO nhỏ hơn quy chuẩn Việt Nam cho phép tới 150 - 300 lần… Đồng thời, xe chạy bằng khí CNG còn gần như không gây tiếng ồn khi hoạt động. Hy vọng với những ưu thế này, xe buýt sử dụng khí CNG làm nhiên liệu không những giúp xe buýt thu hút hành khách mà còn giúp môi trường TPHCM trong sạch hơn

 

hoavt

Nguồn: Báo SGGP

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)