Bicibus, hay còn gọi là "xe buýt" xe đạp của Barcelona (Tây Ban Nha), một hoạt động do chính các bậc phụ huynh khởi xướng, cho phép hàng trăm trẻ em đạp xe an toàn đến trường trong một đoàn xe.
Các bậc cha mẹ hy vọng sức lan tỏa của phong trào lành mạnh này sẽ thúc đẩy các nhà chức trách xây dựng một làn đường dành riêng cho xe đạp cách xa luồng giao thông chính.
Bicibus, hay còn gọi là "xe buýt" xe đạp của Barcelona (Tây Ban Nha)cho phép
hàng trăm trẻ em đạp xe an toàn đến trường trong một đoàn xe
Dự án Bicibus do người dân tổ chức, được hỗ trợ bởi Hội đồng thành phố Barcelona, bắt đầu vào tháng 3 năm 2021 với một tuyến đường trong khu phố Sarria. Dự án hiện có 15 tuyến đường và đã truyền cảm hứng cho các kế hoạch tương tự ở thành phố Glasgow của Scotland và Portland ở Hoa Kỳ.
Bicibus không chỉ dành cho xe đạp mà còn dành cho xe máy hoặc scooter.
Jordi Honey-Roses, nhà quy hoạch đô thị và nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường tại Đại học Barcelona, cho biết: "Bicibus là một sáng kiến do người dân tổ chức nhằm đưa trẻ em đến trường bằng xe đạp trên các tuyến đường thông thường và nó cho phép trẻ em tự do lựa chọn đi xe đạp đến trường trong một thành phố không được thiết kế cho trẻ em và việc đi xe đạp của chúng”.
Lena Xirinacs, 8 tuổi, tham gia vào tuyến đường Eixemple vào thứ Sáu hàng tuần cùng với bố của em, Pablo Xirinacs, một trong những tình nguyện viên đảm bảo các em được an toàn trên đường: “Cháu phải dậy sớm hơn... Vâng, cháu thích việc dậy sớm một phần vì cháu muốn đi Bicibus, nhưng cháu cũng cảm thấy rất buồn ngủ."
Ngày càng có nhiều gia đình tại khu vực này sử dụng xe đạp để xây dựng cộng đồng đạp xe cũng như nâng cao sự an toàn cho quãng đường đến trường của con em.
Ảnh: Reuters
Anh Pablo Xirinacs, bố của Lena cho biết: "Con bé thức dậy với niềm vui sướng. Tôi có thể lấy đó làm cớ mỗi ngày để con bé nhanh chóng rời khỏi giường. Con bé thực sự thích nó”.
Lộ trình tuyến đường Eixample bắt đầu lúc 8h30 sáng và trải dài 2,5km, đi trong 25 phút, đưa đón học sinh tại ba trường học dọc đường từ thứ Hai đến thứ Sáu. Không phải tất cả các tuyến đường đều hoạt động hàng ngày.
An toàn trên các tuyến đường được đảm bảo nhờ xe cảnh sát Barcelona hộ tống và sự giám sát của các bậc phụ huynh như anh Xirinacs, một trong 80 tình nguyện viên phụ huynh trong thành phố, tham gia vào đoàn xe.
Các nhà tổ chức ước tính rằng hơn 700 người đã tham gia các tuyến đường khác nhau trong năm học 2020-2021, tương đương với khoảng 15.000 lượt đi đến các trường học khác nhau của Barcelona trong thời gian đó.
Jordi Honey-Roses, nhà quy hoạch đô thị và nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường tại Đại học Barcelona, cho biết dự án xe buýt xe đạp cũng nhằm khuyến khích thói quen di chuyển bền vững lâu dài của người tham gia giao thông.
Honey-Roses cho biết: "Chúng tôi cũng muốn xem điều gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ này khi chúng lớn lên, chúng sẽ có những thói quen khác, những kỳ vọng khác nhau về thành phố được thiết kế cho ai và những kỳ vọng về không gian công cộng và chúng nên có cơ hội tham gia và chiếm lĩnh không gian đã được dành cho xe cộ. Chúng tôi dự đoán rằng những đứa trẻ tham gia 'bicibus' sẽ có nhiều khả năng đi xe đạp hơn, có thói quen đi xe đạp tốt hơn, thói quen di chuyển bền vững hơn và chúng tôi nghĩ rằng chúng cũng tác động đến việc thay đổi mô hình đi lại của gia đình vì giao thông xanh".
Một phụ huynh chia sẻ: Bicibus làm giảm lượng ô tô, khí thải, đồng thời khích lệ những gia đình còn đang lo ngại về độ an toàn giao thông của khu vực này mạnh dạn tham gia đạp xe đạp. Nếu một đứa trẻ 5 tuổi có thể đi xe đạp đến trường thì điều đó có nghĩa là mọi người khác đều có thể làm được. Nếu người dân sử dụng xe đạp, thành phố sẽ trong lành hơn, yên tĩnh hơn, là môi trường sống tốt hơn.
Tây Ban Nha không phải là quốc gia châu Âu duy nhất nơi trẻ em cùng nhau đạp xe đến trường.
Hà Lan - đi đầu trong lĩnh vực xe hai bánh - không chỉ có cơ sở hạ tầng hỗ trợ các đoàn xe, mà còn có các phương tiện độc nhất do trẻ em đạp xe.
Thành phố Rouen ở miền bắc nước Pháp cũng đã ra mắt xe buýt trường học chạy bằng bàn đạp vào năm 2016.
Còn tại Việt Nam, mới đây, Ban ATGT tỉnh Gia Lai phối hợp với Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á (AIP) tổ chức lễ phát động chiến dịch "Ngựa sắt yêu thương - Tương lai bừng sáng" trong khuôn khổ Dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn” Giai đoạn II mở rộng tại TP. Pleiku.
Đây là chiến dịch phát động lần đầu tại TP. Pleiku nhằm mục tiêu hướng đến thu hút tổng số 18.135 học sinh ở 19 trường trung học cơ sở ở thành phố Pleiku sử dụng phương tiện giao thông bền vững - hướng tới tầm nhìn thành phố xanh và trong lành hơn.
TP. Pleiku là thành phố đầu tiên trên cả nước áp dụng các biện pháp giảm tốc độ qua các trường học. Trong đó, khu vực trường học đường đôi, có dải phân cách, cho phép tốc độ tối đa 40km/giờ; đường hai chiều, không có dải phân cách 30km/giờ, giảm 20km/giờ so với trước.