Thời điểm ô tô xăng, dầu bị loại bỏ trên thế giới

Thứ tư, 12/04/2023 15:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới đã lên kế hoạch cấm bán ô tô mới sử dụng động cơ đốt trong để bảo vệ môi trường.

Cuối tháng 3 vừa qua, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua luật quy định toàn bộ ô tô mới bán ra tại khu vực phải có mức phát thải CO2 bằng 0 từ năm 2035.

Bên cạnh EU, một số quốc gia khác trên thế giới cũng đã đặt mốc thời gian cấm bán ô tô mới sử dụng động cơ đốt trong (ICE) - loại phương tiện phát ra khí thải độc hại là yếu tố chính dẫn tới biến đổi khí hậu.

Dưới đây là một số quốc gia và khu vực trên thế giới đã lên kế hoạch loại bỏ ô tô sử dụng ICE.

Na Uy - 2025

Theo hãng tin AFP, Na Uy sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm bán ô tô mới sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Theo đó, quốc gia này chỉ cho phép bán ô tô mới không phát thải chạy bằng pin điện hoặc nhiên liệu hydro từ năm 2025.

Na Uy đồng thời là nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn nhất và là quốc gia đi đầu trong việc chuyển sang sử dụng xe điện tại Tây Âu khi khoảng 80% ô tô mới bán ra tại quốc gia này trong năm 2022 là xe điện.

Ảnh minh hoạ xe động cơ đốt trong

Anh, Israel và Singapore - 2030

Cả 3 quốc gia này có kế hoạch cấm bán ô tô mới sử dụng ICE vào năm 2030. Tại Anh, biện pháp này là một phần trong nỗ lực thực hiện “cuộc cách mạng công nghiệp xanh” nhằm tạo ra hàng nghìn việc làm cho người lao động.

Nhật Bản - 2030

Là một trong những nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới, Nhật Bản đã lên kế hoạch chuyển sang xe điện và xe hybrid - với hãng Toyota là hãng ô tô dẫn đầu thế giới về sản xuất loại phương tiện này.

Chính phủ Nhật Bản đã lên kế hoạch cấm bán phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngoại trừ xe hybrid vào những năm 2030. Tuy vậy, tính đến năm 2022, xe điện mới chỉ chiếm khoảng 1,7% tổng số ô tô mới bán ra tại quốc gia này.

Ấn Độ - 2030

Theo dự kiến, ngày càng nhiều người dân tại Ấn Độ sẽ sở hữu ô tô nhưng quốc gia này hiện đã đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng.

Trong nỗ lực giải quyết tình trạng trên, Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu xe điện chiếm khoảng 30% tổng số ô tô mới bán ra tại quốc gia này vào năm 2030.

Trung Quốc - 2035

Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện với rất nhiều công ty sản xuất ô tô điện và các chương trình trợ cấp hào phóng của Chính quyền trung ương Trung Quốc cũng như các địa phương đối với khách hàng mua xe điện.

Các công ty Trung Quốc cũng chiếm ưu thế trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực sản xuất vật liệu thô phục vụ cho quá trình sản xuất pin điện.

Là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, Trung Quốc cũng đặt mốc thời gian cụ thể để tiến tới ngừng bán ô tô mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Theo đó, quốc gia này đặt mục tiêu ô tô chạy bằng pin điện, pin nhiên liệu, xe hybrid (loại xe vừa có động cơ đốt trong vừa có động cơ điện) chiếm khoảng 20% tổng số xe mới bán ra vào năm 2025 và chiếm đa số vào năm 2035.

Một số thành phố tại Trung Quốc hiện đã cấm bán xe scooter chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, thiết lập các khu vực chỉ cho phép phương tiện phát thải thấp hoạt động.

Mỹ - 2035

Theo kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden liên quan tới chống biến đổi khí hậu, phương tiện không phát thải sẽ chiếm một nửa trong tổng số ô tô mới bán ra tại Mỹ vào năm 2030. Mỹ cũng đang áp dụng các chương trình trợ cấp quy mô lớn để thu hút đầu tư vào sản xuất pin xe điện, hỗ trợ các nhà sản xuất địa phương.

Một số bang tại Mỹ như California và New York cũng có kế hoạch cấm bán ô tô mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, ngoại trừ xe hybrid sạc điện, từ năm 2035.

Tuy vậy, theo hãng tin AFP, dù là quê hương của hãng xe điện hàng đầu thế giới - Tesla, Mỹ vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn thực hiện được mục tiêu trên khi doanh số bán ô tô điện hiện chỉ chiếm 5,8% trên thị trường ô tô của quốc gia này tính trong năm 2022.

Liên minh châu Âu - 2035

Ngày 28/3, EU chính thức thông qua lệnh cấm bán ô tô mới phát thải CO2 từ năm 2035 sau khi đạt thỏa thuận với Đức về việc cho phép tiếp tục bán xe mới sử dụng động cơ đốt trong sau năm 2035 với điều kiện loại xe này chỉ sử dụng nhiên liệu điện tử.

Nhiên liệu điện tử được coi là trung hòa carbon bởi loại nhiên liệu này được sản xuất từ khí phát thải CO2. Dù vẫn phát thải nhưng lượng CO2 sử dụng trong quá trình chế tạo nhiên liệu và lượng CO2 sinh ra khi nhiên liệu được đốt cháy trong động cơ là tương đương nhau, nên loại nhiên liệu này vẫn được coi là trung hòa carbon.

Một số quốc gia thành viên EU như Ireland, Hà Lan, Thụy Điển thậm chí còn đặt mục tiêu tham vọng hơn khi dự kiến chỉ cho phép bán ra phương tiện không phát thải từ năm 2030.

Các khu vực phát thải thấp, hạn chế phương tiện cũ đã được thiết lập ở nhiều khu trung tâm các thành phố trên khắp châu Âu. Phương tiện chạy hoàn toàn bằng điện đã chiếm 12,1% trong tổng số ô tô mới bán ra tại khu vực này vào năm 2022.

kieuanh

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)