Gấp rút xây dựng quy chuẩn cho hoạt động tháo dỡ tàu biển cũ

Thứ tư, 06/07/2016 09:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Để tạo hành lang pháp lý kiểm soát tác động môi trường của hoạt động phá dỡ tàu biển, Tổng cục Môi trường đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động tháo dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Phải kiểm soát chặt hoạt động phá dỡ tàu cũ

Chỉ có 6 cơ sở được phá dỡ tàu cũ

Hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng mang lại lợi ích về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Quan trọng hơn là tạo ra các giải pháp, cơ hội tiếp tục duy trì ngành công nghiệp đóng tàu trong giai đoạn khó khăn để từng bước phục hồi và phát. Mục tiêu đề ra tại Quy hoạch chi tiết cơ sở phá dỡ tàu giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là đến năm 2020 các cơ sở phá dỡ tàu có khả năng phá dỡ được tất cả các loại tàu thông dụng có trọng tải đến 100.000 DWT với công nghệ phá dỡ tiên tiến, phù hợp với cơ sở hạ tầng, thiết bị, kinh nghiệm của ngành công nghiệp tàu thủy trong nước; đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam về yêu cầu bảo vệ môi trường. Tổng năng lực phá dỡ toàn ngành đạt 280.860 LDT (tương ứng 1,5 triệu DWT/năm) với lượng thép phế liệu thu hồi sau phá dỡ đạt 238.731 tấn/năm, đáp ứng 8% nhu cầu thép phế nhập khẩu phục vụ ngành thép trong nước.

Để thực hiện mục tiêu này đến nay Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cấp phép cho 6 cơ sở phá dỡ tàu cũ bao gồm: Cơ sở phá dỡ tàu Bến Rừng (Hải Phòng), Cơ sở thứ 2 là An Hồng nằm trong khu công nghiệp tàu thủy An Hồng huyện An Dương, Hải Phòng; Cơ sở thứ 3 là Phương Nam, nằm trong khu công nghiệp Phương Nam, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh, Cơ sở thứ tư là Tiền Phong, nằm trong khu công nghiệp Tiền Phong thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh, quy hoạch phá dỡ cỡ tàu đến 300.000 tấn; Cơ sở Bến Thủy, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, Cơ sở phá dỡ Dung Quất, nằm trong khu kinh tế Dung Quất.

Xây dựng quy chuẩn về môi trường

Hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng mang lại lợi ích về kinh tế nhưng có thể gây ra những mặt bất lợi ảnh hưởng đến môi trường nếu các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước không kiểm soát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ.

Để những nguy cơ về môi trường không xảy ra, nhiều văn bản pháp luật được ban hành. Cụ thể 3 Nghị định: số 19/2015/NĐ-CP, 18/2015/NĐ-CP quy định về đánh giá tác động môi trường và bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu; số 114/2014/NĐ-CP quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở phá dỡ và nhập khẩu tàu biển để phá dỡ; 2 Thông tư, số: 27/2015/TT-BTNMT hướng dẫn bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; 37/2015/TT-BGTVT Quy định thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.

Tuy nhiên, những văn bản này chưa đủ để kiểm soát được hoạt động này, theo các chuyên gia đến nay vẫn còn thiếu một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến môi trường, thuế… Vì vậy, Tổng cục Môi trường đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động tháo dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Mới đây, Tổng cục Môi trường đã tổ chức họp góp ý cho thông tư này. Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm Lê Hoài Nam, bản dự thảo lần này quy định rõ quy trình quản lý chất thải, yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu về việc bảo vệ môi trường; trình tự, thủ tục đánh giá kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, tàu chìm đắm…

Theo đó, chủ cơ sở phải có quy trình phá dỡ phù hợp với từng chủng loại và tải trọng tàu, đảm bảo quy trình tối thiểu như điều tra tất cả các khoang, bể chứa và các khu vực lưu giữ trên tàu để xác định khu vực có thể chứa chất độc hại như nhiên liệu, dầu, amiăng, PCBs, chì và các chất độc hại khác cần phải loại bỏ. Xác định tình trạng của con tàu và các mối nguy hiểm mà người lao động có thể gặp phải trong quá trình phá dỡ; thu gom nhiên liệu, dầu, chất lỏng khác, amiăng và PCBs.

Ngoài ra, chủ cơ sở phải có phải trang bị bơm để thu gom dầu và nhiên liệu về các bồn/thùng chứa riêng (không trộn lẫn), sau đó chuyển về khu vực lưu giữ và chuyển giao để xử lý theo đúng quy định; Chất thải lỏng có chứa PCB phải được lưu chứa trong các bao bì cứng hoặc thiết bị lưu chứa đặt trên các tấm nâng và không cho phép xếp chồng lên nhau. Khu vực lưu giữ chất thải chứa PCB (dạng rắn và dạng lỏng) phải được cách ly với các chất thải khác và đảm bảo an toàn, sau đó chuyển giao để xử lý theo đúng quy định; đối với chất thải nguy hại: phải bố trí khu vực lưu giữ CTNH; lưu giữ CTNH trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định của Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT. Sau khi hoàn thành việc phá dỡ con tàu biển tối đa ba mươi (30) ngày làm việc, cơ sở phải chuyển giao toàn bộ chất thải này cho đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép để xử lý.

Bên cạnh đó, thông tư còn quy định chi tiết trình tự, thủ tục, đối tượng đào tạo, thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức đào tạo, cấp, cấp lại và thu hồi trong việc cấp Chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển.

trongpv

Nguồn: monre.gov.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)