Theo văn bản gởi các bộ ngành, Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Công ty cổ phần hàng không Jestar Pacific Airlines ngày 7-8 vừa qua, Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường đã được quy định theo luật và nghị quyết do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, do đó các doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng quy định.
Còn thuế nhập khẩu phải áp dụng theo quy định của Bộ Tài chính tại từng thời điểm nhập khẩu (hiện tại là 12% theo Thông tư số 109/2012/TT-BTC ngày 3-7-2012 của Bộ Tài chính). Nhưng Bộ Tài chính cho rằng mức thuế nhập khẩu ưu đãi thấp nhất có thể áp dụng là 7%.
Chi phí đầu vào tăng cao
Vào giữa tháng 5-2012, Vietnam Airlines và Jestar Pacific đã có kiến nghị lên Bộ Tài chính về chính sách thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hàng không.
Cụ thể, Vietnam Airlines cho biết trong 4 tháng đầu năm 2012, do tác động của suy thoái kinh tế và việc cắt giảm chi tiêu của doanh nghiệp và người dân nên doanh thu vận tải hàng không sụt giảm, không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Ngoài ra, doanh nghiệp lại phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao, giá nhiên liệu bình quân thực tế tăng 7,4% so với giá kế hoạch đã làm chi phí của Vietnam Airlines tăng thêm 303 tỉ đồng.
Theo số liệu từ Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), giá nhiên liệu bay tính đến thời điểm ngày 27-7 là 124,5 đô la Mỹ/thùng, tăng 11,5 so với một tháng trước đó nhưng giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2011.
Với quy mô kinh doanh hiện tại, Vietnam Airlines cho rằng nếu giá nhiên liệu tăng 1 đô la Mỹ/thùng thì chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành sẽ tăng thêm gần 150 tỉ đồng.
Theo đánh giá của Vietnam Airlines, hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải hàng không trong những tháng còn lại năm 2012 sẽ còn nhiều khó khăn, đặc biệt với thị trường nội địa sụt giảm trong 4 tháng đầu năm. Vận tải nội địa chiếm 33% tổng doanh thu vận tải hàng không của Vietnam Airlines. Nếu chi phí đầu vào tăng thì Vietnam Airlines sẽ khó khăn trong việc đảm bảo cân đối thu chi trong sản xuất kinh doanh.
Vietnam Airlines cho rằng mặc dù giá cước vận chuyển được Bộ Tài chính duyệt được tính toán trên cơ sở giá nhiên liệu bay ở mức 125 đô la Mỹ/thùng (giá thực tế trong 4 tháng đầu năm là 133 đô la Mỹ/thùng) nhưng giá cước vận chuyển Vietnam Airlines đang áp dụng bán cho hành khách chỉ tương ứng 118 đô la Mỹ/thùng giá nhiện liệu trong cơ cấu tính giá vé.
Cần hỗ trợ
Vietnam Airlines đã kiến nghị Bộ Tài chính hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay bằng cách không thực hiện thu thuế nhập khẩu nhiên liệu động cơ máy bay khi giá nhiên liệu bay cao hơn hoặc bằng mức 118 đô la Mỹ/thùng.
Trong khi đó, Jestar Pacific cũng kiến nghị không áp dụng thuế nhập khẩu xăng dầu hàng không (thuế suất 0%) nếu giá nhiên liệu bay cao hơn hoặc bằng 100 đô la Mỹ/thùng. Ngoài ra, Jestar Pacific còn kiến nghị tạm thời không áp dụng thuế môi trường đối với các doanh nghiệp hàng không trong nước cho đến thời điểm thích hợp.
Trước các kiến nghị trên, Bộ Tài chính có ý kiến cho rằng đối với xăng máy bay và nhiên liệu bay mua trong nước phải chịu các loại thuế sau: thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít; thuế giá trị gia tăng là 10% tính trên giá đã có thuế bảo vệ môi trường.
Đối với xăng máy bay và nhiên liệu bay nhập khẩu thì phải chịu các loại thuế sau: thuế nhập khẩu tại từng thời điểm nhập khẩu (hiện tại là 12% theo Thông tư 109/2012/TT-BTC ngày 3-7 của Bộ Tài chính); thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít; thuế giá trị gia tăng 10% tính trên giá đã có thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường.
Bộ Tài chính cũng cho biết mức thuế nhập khẩu ưu đãi thấp nhất có thể áp dụng cho mặt hàng xăng máy bay và nhiên liệu bay là 7%.
Tỷ trọng phí nhiên liệu bay trong tổng chi phí:
+ Đối với Jestar Pacific: Tổng chi phí nhiên liệu bay trong năm 2011 là 1.270 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 42% tổng chi phí khai thác.
+ Đối với Vietnam Airlines: Tổng chi phí nhiên liệu bay trong năm 2011 là 17.554 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 37% tổng chi phí khai thác.
Nguồn: Bộ Tài chính
Trungna - Theo thesaigontimes.vn