Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo cần quyết liệt hơn trong hoạt động thanh tra
Thứ hai, 22/09/2014 14:36
Lực lượng thanh tra cứ mạnh dạn làm, không có gì là nhạy cảm cả, “ngửi thấy mùi” vi phạm phải lập tức xử lý, chúng ta chống tham nhũng là vì dân vì nước nên không phải lo sợ, nếu có vấn đề gì thì tôi sẽ cùng chịu trách nhiệm”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng thẳng thắn phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác thanh tra GTVT năm 2011, triển khai nhiệm vụ năm 2012 và Tổng kết 5 năm thục hiện Luật phòng chống tham nhũng (PCTN), sơ kết giai đoạn I chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020 diễn ra hôm nay 17/2.
Tại Hội nghị này, cùng với việc ghi nhận những nỗ lực phấn đấu và kết quả đạt được theo báo cáo của lực lượng thanh tra GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt ra nhiều vấn đề công việc mà lực lượng thanh tra cũng như toàn thể CB-CNV ngành GTVT phải thực hiện trong năm 2012, đặc biệt trọng tâm là cuộc cách mạng PCTN.
Bộ GTVT được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý về mặt Nhà nước cũng như đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nên luôn cần lượng vốn rất lớn và những vấn đề liên quan đến tiền mặt nên dễ dấn tới những rủ ro và nguy cơ cao về tham nhũng như: công tác thu phí, đăng ký đăng kiểm, kiểm tra tải trọng, đào tạo sát hạch lái xe… Vì vậy, Bộ trưởng Thăng cho rằng đặc điểm của thanh tra GTVT là rất đặc thù và nhạy cảm.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Mặc dù lực lượng thanh tra ngành GTVT có trên 3.300 người nhưng để thực hiện tốt công tác thanh tra và PCTN thì không thể coi nhiệm vụ chống tham nhũng là của riêng thanh tra và lực lượng chuyên trách về PCTN, không thể giao khoán cho họ, nếu hiểu như vậy thì đã thất bại. Phải coi việc PCTN là sự nghiệp cách mạng của toàn dân và tất cả mọi người phải tham gia.
Thanh tra là tai mắt của lãnh đạo đơn vị, là tai mắt của Đảng và Nhà nước, vì vậy khi mỗi CB-CNV trong ngành GTVT tham gia tích cực với vai trò là tai mắt của thanh tra cùng phối hợp PCTN thì tôi tin là chúng ta sẽ phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm ở các đơn vị. Tất nhiên, khi cá nhân đó bị lãnh đạo đơn vị đó phát hiện là tai mắt của thanh tra tố cáo thì chắc chắn sẽ phiền hà cho họ, vì thế chúng ta phải có trách nhiệm giữ bí mật và bảo vệ họ”.
“Lực lượng thanh tra cứ mạnh dạn làm, không có gì là nhạy cảm, không sợ gì cả, chúng ta làm vì dân vì nước nên không có gì phải lo sợ. Tôi sẽ cùng chịu trách nhiệm, lãnh đạo bộ sẽ cùng chịu trách nhiệm với lực lượng thanh tra nếu có vấn đề gì xảy ra” - Bộ trưởng Thăng nói.
Tại Hội nghị này, một lần nữa Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh về việc xây dựng quy chế về trách nhiệm của người đứng đầu, từ đó tập trung thanh tra nhằm xác định rõ ràng vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu khi có sự việc xảy ra.
Bộ trưởng Thăng thẳng thắn: “Trong các báo cáo nêu rất nhiều các cuộc thanh tra, kết quả thế nọ thế kia nhưng thực tế thì chúng ta thấy là đi đến đâu người ta cũng kêu là chất lượng công trình giao thông có vấn đề, tiến độ thi công thì chậm, tai nạn giao thông và an toàn giao thông vẫn nan giải và còn nhiều tồn tại, văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ và chưa bám sát được thực tế. Trong khi đó, vai trò của những người đứng đầu các công trình chất lượng tồi như vậy nhưng Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, nhà thầu giám sát, Thứ trưởng, Bộ trưởng đều không ai đứng ra chịu trách nhiệm mà cứ bình chân như vại.
Tại sao chúng ta để tiến độ các công trình chậm như vậy, chất lượng có vấn đề như vậy mà không có ai đứng ra chịu trách nhiệm? Rõ ràng là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, quy trình quản lý chất lượng và quản lý tiến độ có vấn đề. Vì thế chúng ta phải nhanh chóng hoàn thiện và xây dựng tốt quy trình này, phân định rõ ràng trách nhiệm của từng người, kể cả Thứ trưởng, Bộ trưởng”.
Nhiều công trình giao thông xuống cấp nhanh trong thời gian qua
Không phải ngẫu nhiên khi vị Bộ trưởng này nhắc đi nhắc lại cụm từ “phải chủ động” và tỏ thái độ khẳng khái yêu cầu lực lượng thanh tra phải chủ động nắm bắt tình hình, kiên quyết xử lý vi phạm chứ không nên e ngại hay sợ mất lòng ai, đặc biệt là các vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm, bởi vì điều này là cần thiết cho công việc thanh tra vốn rất đặc thù và cũng chính là cách để bảo vệ cán bộ, bảo vệ đơn vị mình.
“Ngửi thấy có mùi vi phạm là phải lập tức thanh tra xử lý, phải chủ động vào cuộc, phải tổ chức thanh tra đột xuất, phải mời người đứng đầu và những người có liên quan lên làm việc để họ chủ động sửa chữa chứ để đến khi họ sắp bị bắt rồi, đơn vị thua lỗ phá sản rồi mà thanh tra mới biết thì chả còn tác dụng gì nữa” - Bộ Trưởng Thăng chỉ rõ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nhìn nhận những thông tin quan trọng từ báo chí và yêu cầu lực lượng thanh tra phải vào cuộc khi báo chí phản ánh, phải luôn luôn coi trọng thông tin báo chí.
Bên cạnh đó, thanh tra phải phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức và triển khai thực hiện cùng với các đơn vị liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ rà soát lại toàn bộ các chiến lược quy hoạch phát triển từ quy hoạch chung của cả nước đến quy hoạch vùng và địa phương, phải công khai minh bạch để báo chí và nhân dân có thể giám sát; xây dựng đội ngũ thanh tra có phẩm chất và bản lĩnh chính trị, đạo đức tốt và có trình độ chuyên muôn để thực hiện tốt công tác thanh tra, PCTN.
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ GTVT, trong thời gian từ năm 2006 - 2011, tại các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ đã có 11/44 người bị khởi tố về tội tham nhũng. Trong đó, điển hình là vụ tham nhũng xảy ra tại Ban Quản lý Dự án 18 (PMU 18), các cơ quan đã khởi tố hình sự 11 người, xử ký kỷ luật hành chính 12 người và đến thời điểm hiện nay vẫn chưa xét xử xong.
Các vụ án tham nhũng đã bị cơ quan điều tra khởi tố 11 vụ, số vụ án đã đưa ra xét xử là 8 vụ, bị kết án tham nhũng 32 người. Số vụ tham nhũng xử lý hành chính là 9 vụ, xử lý,kỷ luật về hành chính 119 người. Tài sản bị tham nhũng được phát hiện gần 4.000 tỉ đồng, đã thu hồi hơn 2300 tỉ đồng, tài sản do tham nhũng không thể thu hồi và bồi thường là hơn 1,6 tỷ đồng…
Riêng năm 2011, thanh tra Bộ GTVT đã tiến hành 33 cuộc thanh kiểm tra, trong đó có 20 cuộc thanh tra theo kế hoạch, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý và thực hiện đầu tư các dự án, đào tạo sát hạch lái xe; tổ chức hoạt động thu phí sử dụng đường bộ; bảo vệ kết cấu hạ tầng, thanh tra công tác quản lý vốn và tài sản tại doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ; Kiểm tra thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật phòng, chống tham nhũng…
Thanh tra đã thu hồi 3 giấy phép đào tạo lái xe, 3 giấy phép kinh doanh vận tải; đình chỉ hoạt động 4 cơ sở đào tạo, 9 đơn vị kinh doanh vận tải… xử lý thu hồi 9,398 tỷ đồng; giảm trừ 9,593 tỷ đồng. Thanh tra Bộ GTVT đã rà soát, sửa đổi, điều chỉnh các nội dung chưa phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật và chế độ chính sách; sửa đổi bổ sung về tổ chức quản lý đã phát hiện nhiều sai sót, sai phạm.
Công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng xảy ra tại các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT từ năm 2006 - 2011 chủ yếu thông qua điều tra tội phạm, kiểm tra nội bộ. Một số vụ tham nhũng Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan điều tra như: Vụ lừa đảo trạm thu phí Chương Mỹ (Hà Nội) năm 2009, vụ thu lệ phí quá quy định năm 2010, bán thầu năm 2011, vụ tiêu cực của tư vấn giám sát năm 2008, bán vé sai quy định tại trạm thu phí Phù Đổng…