Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2010 của ngành Thanh tra

Thứ năm, 25/09/2014 10:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

A. Mục tiêu chung

Năm 2010, Đảng và Nhà nước ta chủ trương tập trung mọi nỗ lực, phấn đấu phục hồi tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009, tạo đà tăng trưởng nhanh và bền vững; giữ ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2006 - 2010; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra chấp hành kỷ luật, kỷ cương và giải quyết tốt, kịp thời những vấn đề bức xúc của xã hội. Thực hiện chủ trương đó, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đề ra mục tiêu chung là:

1. Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra trách nhiệm, thanh tra kinh tế - xã hội, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội nhất là các lĩnh vực quản lý đất đai, dự án đầu tư xây dựng, quản lý tài chính ngân sách, thực hiện các chính sách xã hội.

2. Giải quyết KNTC đạt được kết quả, hiệu quả rõ hơn, trong đó tập trung tạo sự chuyển biến trong giải quyết các vụ việc KNTC tồn đọng, kéo dài (phấn đấu đạt từ 70-80%).

3. Thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ, giải pháp PCTN, tạo chuyển biến đồng đều, tập trung tạo chuyển biến rõ nét trên một số lĩnh vực: đất đai, đầu tư xây dựng, tài chính công, giao thông, y tế,..

4. Hoàn thiện thể chế hoạt động thanh tra; kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra; xây dựng văn hoá thanh tra, phát động phong trào thi đua kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành.

B. Phương hướng, nhiệm vụ cụ thể

1. Công tác thanh tra

- Tăng cường thanh tra trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước gắn với thanh tra việc thực thi chức trách, công vụ của cán bộ, công chức nhằm phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những bất cập, sơ hở, vi phạm trong quản lý nhà nước và thực thi công vụ, trong đó:

+ Thanh tra Chính phủ thanh tra trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh;

+ Thanh tra bộ, ngành Trung ương thanh tra trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc bộ, ngành Trung ương và các cơ quan nhà nước có liên quan;

+ Thanh tra các tỉnh, thành phố thanh tra trách nhiệm của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND các quận, huyện, thành phố, thị xã.

- Đẩy mạnh công tác thanh tra kinh tế - xã hội, nhằm phát hiện, xử lý, ngăn ngừa các vi phạm, chống thất thoát ngân sách, tài sản, nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trong đó:

+ Thanh tra Chính phủ thanh tra việc thực hiện các dự án về giao thông, thuỷ lợi, cảng biển sử dụng vốn lớn; việc sử dụng đất, thực hiện dự án đầu tư tại các khu đô thị, khu công nghiệp; hoạt động tín dụng, hỗ trợ lãi suất của ngân hàng; việc quản lý dự trữ lưu thông thuốc quốc gia, dự án HIV/AIDS.

+ Thanh tra bộ, ngành tập trung vào lĩnh vực do bộ, ngành phụ trách mà trong công tác quản lý thường xẩy ra vi phạm, còn nhiều yếu kém hoặc những vấn đề mà dư luận quan tâm để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời, chú trọng thanh tra việc thực hiện các giải pháp về kích cầu, chống suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ.

+ Thanh tra các tỉnh, thành phố tập trung thanh tra vào việc thực thi pháp luật trên các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai ; đầu tư xây dựng cơ bản ; cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước; quản lý tài chính - ngân sách; việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các giải pháp kích cầu, chống suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ tại địa phương; thanh tra chuyên đề diện rộng về việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội theo hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của TTCP.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung thanh tra, chấn chỉnh, xử lý những vấn đề bức xúc, dư luận có nhiều ý kiến như: vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; phòng chống dịch; hành nghề y dược; an toàn, vệ sinh lao động; hoạt động văn hóa, du lịch; kinh doanh xăng dầu; cấp phép đầu tư dự án; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch; cấp phép xây dựng; việc thu và quản lý, sử dụng những loại phí trong trường học; chất lượng và mẫu mã hàng hóa ...

- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, xử lý sau thanh tra để thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra. Lãnh đạo các cơ quan thanh tra tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các Đoàn thanh tra, bảo đảm đúng tiến độ và nội dung thanh tra; tăng cường tổng kết, rút kinh nghiệm sau mỗi cuộc thanh tra.

2. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Tiếp tục triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 130/KL-TW ngày 10/01/2008 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 345/KH-TTCP ngày 06/3/2008 và Kế hoạch 319/KH-TTCP ngày 20/02/2009 của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, phải tập trung thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ để giải quyết dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng, kéo dài sau khi đã rà soát.

- Đổi mới công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư KNTC. Nắm chắc tình hình khiếu kiện đông người, chủ động phối hợp giữa các ngành, các cấp trong phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống phức tạp về KNTC. Khắc phục tình trạng đơn thư chuyển lòng vòng, xử lý đơn thư chậm trễ, thiếu trách nhiệm.

- Tổ chức phối hợp lực lượng, giải quyết dứt điểm, kịp thời các vụ việc KNTC ngay từ khi mới phát sinh, nhất là các trường hợp liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; tăng cường hoà giải tại cơ sở.

- Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước; thanh tra trách nhiệm giải quyết KNTC; chú trọng đôn đốc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo, nâng cao kỷ cương, kỷ luật.

3. Công tác phòng, chống tham nhũng

- Tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN; triển khai thực hiện Đề án “Đưa nội dung PCTN vào giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng”; hướng dẫn, tổ chức thực hiện tốt Chiến lược Quốc gia về PCTN, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

- Tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiện toàn và tăng cường phối hợp nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về PCTN; xây dựng cơ chế phối hợp, cơ chế bảo vệ người có thành tích trong công tác PCTN.

- Thanh tra làm rõ các đơn thư tố cáo tham nhũng thuộc thẩm quyền; phối hợp với cơ quan chức năng trong phát hiện và xử lý tham nhũng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác PCTN tại các bộ, ngành, địa phương; xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu trong công tác PCTN.

- Thường xuyên cập nhập cơ sở dữ liệu chung về PCTN phục vụ cho yêu cầu quản lý; chấn chỉnh, nâng cao chất lượng báo cáo, thông tin về PCTN bảo đảm đầy đủ, chính xác, phục vụ kịp thời cho việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN.

4. Công tác xây dựng ngành thanh tra

- Hoàn thiện thể chế ngành thanh tra, trình Quốc hội thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi); hoàn thiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; trình Chính phủ thông qua và triển khai thực hiện Đề án Đổi mới công tác tiếp dân, Đề án Tài phán hành chính; ban hành và thực hiện các quy trình nghiệp vụ thanh tra.

- Tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy ngành thanh tra; xây dựng cơ quan thanh tra trong sạch, vững mạnh, cán bộ thanh tra văn hoá, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục bổ sung quy hoạch cán bộ; thực hiện đổi mới cách thức, quy trình tuyển dụng cán bộ; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra; kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách cho cán bộ thanh tra.

- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; mở rộng các hoạt động đối ngoại, hợp tác đa phương, song phương; sớm đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào chỉ đạo, điều hành, tổng hợp, đánh giá kết quả công tác của ngành thanh tra.

- Toàn ngành thanh tra phát động phong trào thi đua trong thời gian một năm (từ 23/11/2009 đến 23/11/2010) để lập thành tích chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Thanh tra Việt Nam gắn với việc thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

II. GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, chủ động triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra, giải quyết KNTC, phòng chống tham nhũng ở các cấp, các ngành.

2. Tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ công tác, nhất là kiểm tra, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra.

3. Đổi mới chế độ thông tin báo cáo ngành thanh tra từ việc tiếp nhận cho đến xử lý, tổng hợp, phân tích thông tin; nâng cao chất lượng tham mưu nhằm đảm bảo tốt cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ của ngành thanh tra.

4. Thực hiện tốt việc kết hợp giữa công tác Đảng, đoàn thể với công tác của cơ quan nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ, để thúc đẩy và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

5. Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, của bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành, các cấp; chủ động tạo nguồn lực để phục vụ cho hoạt động và nâng cao năng lực tổng thể của ngành Thanh tra./.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)