Đây là kinh nghiệm của các đoàn thanh tra chuyên đề trong kiến nghị giảm xe quá tải. Việc này sẽ xác định rõ vi phạm để xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp vận tải và đầu mối nguồn hàng.
Một xe có dấu hiệu tự cơi nới thùng hàng tại Hà Nội. Ảnh: Hữu Oanh
3.044 doanh nghiệp cam kết
Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, đợt chuyên đề thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về kích thước thành thùng xe tải tự đổ mới kết thúc.
Kết quả đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 1.046 doanh nghiệp và dự án trong phạm vi cả nước, phát hiện 1.400 xe vi phạm kích thước thùng chở hàng. Qua đó, 291 xe bị giữ tem kiểm định; 461 trường hợp bị cắt thùng xe trực tiếp; 632 trường hợp buộc yêu cầu lái xe chủ xe, doanh nghiệp, nhà thầu, ban quản lý dự án cam kết khắc phục hậu quả.
Đồng thời, kết quả của các tổ thanh tra cơ động, đột xuất của các Cục Quản lý đường bộ đối với các hành vi vi phạm về tải trọng và kích thước chở hàng cũng đã kiểm tra 3.575 xe; ghi nhận 428 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, 2.042 xe vi phạm tải trọng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là gần 41,5 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng thanh tra thuộc các Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã kiểm tra 17.660 xe; xử lý cắt thùng chở hàng tại chỗ 6.286 xe, tự khắc phục 4.371 xe.
Để quản lý từ gốc việc xe ô tô chở hàng quá tải trọng, Tổng cục ĐBVN đã cùng 63 tỉnh, thành tổ chức ký cam kết không xếp hàng quá tải lên xe ô tô với 3.044 doanh nghiệp đầu nguồn hàng. Sau đó, đã có công văn đôn đốc, đề nghị các Sở GTVT tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp còn lại thuộc địa bàn và thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện cam kết.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất
Theo nhìn nhận của Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục ĐBVN), hiện nay, cơ bản chỉ hiện tượng các xe chở vật liệu xây dựng phục vụ các công trường thi công, san lấp mặt bằng xây dựng chạy trên cung đường ngắn, do vậy, trách nhiệm của các chủ cơ sở sản xuất, chủ các công trình là rất cao. Do đó, phải có chế tài và xử lý kiên quyết trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị, chủ đầu tư, nhà thầu khi để xảy ra tình trạng xếp hàng quá tải lên xe, tiếp nhận vật tư, vật liệu, thiết bị từ xe vi phạm, quá tải thành thùng xe.
Các đầu mối công trình là nơi thường xuất hiện việc chở vật liệu quá tải. Ảnh: Hữu Oanh
Đối với các trường hợp chây ì, chống đối, không xuất trình giấy tờ, khóa cửa bỏ đi thì đề nghị cho phép các lượng kiểm soát tải trọng xe lập biên bản khóa xe cưỡng bức hoặc đưa về bãi tạm giữ theo quy định, đồng thời tháo biển số xe. Mọi chi phí phát sinh do lái xe, chủ xe chịu chi trả.
Một phát sinh nữa đang tồn tại là chủ xe có nhiều thủ đoạn như lén lút hoạt động vào ban đêm, đi trốn tránh, né các trạm kiểm tra tải trọng, cho người theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng nên lực lượng kiểm tra phải thay đổi phương thức kiểm tra, cơ động và bất ngờ về thời gian, thời điểm. “Do đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xác định rõ vi phạm để xử lý trách nhiệm của đơn vị đầu mối bốc xếp hàng hóa và xử lý các trạm kiểm tra tải trọng xe để xe quá tải, vi phạm thành thùng hàng lọt qua trạm”, lãnh đạo Vụ Pháp chế - Thanh tra nhấn mạnh.
Ngoài ra, lực lượng làm công tác pháp chế, thanh tra của Tổng cục ĐBVN còn đề xuất, Cục Đăng kiểm Việt Nam tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động tự giác cắt thành thùng xe vi phạm. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm giữa hai kỳ đăng kiểm, tham mưu cho Bộ GTVT có giải pháp và chế tài xử lý kiên quyết đối với những xe tải vi phạm về kích thước thùng chở hàng.
Theo kinh nghiệm của các đoàn thanh tra để lại, dù có tồn tại, vướng mắc khác nhau nhưng địa phương nào có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự chủ động, tích cực tham mưu của lãnh đạo Sở GTVT, Công an tỉnh cho UBND tỉnh, xác định nhiệm vụ rõ ràng và quyết tâm cao của lực lượng phối hợp thì địa phương đó có kết quả tốt trong kiểm soát tải trọng xe.