Tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) tại các địa phương của Bắc Kạn hiện nay đang diễn ra phổ biến, gây nhiều khó khăn cho công tác bảo trì, quản lý hành lang đường bộ và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông…
Vi phạm HLATĐB diễn ra tại nhiều địa phương tại Bắc Kạn
Vi phạm tràn lan
Không khó để bắt gặp những hành vi lấn chiếm, tái lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn giao thông đường bộ tại bất cứ tuyến đường quốc lộ hay tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tình trạng các hộ dân hai bên đường lấn chiếm, cơi nới nhà cửa, sử dụng lòng, lề đường, rãnh thoát nước dọc và HLATĐB để tập kết củi gỗ, vật liệu xây dựng, phơi lâm sản diễn ra phổ biến. Dọc tuyến quốc lộ 3, hay tại một số tuyến tỉnh lộ, nhiều cơ sở sản xuất gỗ bóc “vô tư” phơi sản phẩm tràn lan ngay sát mép đường, thậm chí che khuất cả cọc tiêu, biển báo giao thông. Nhiều lều quán dựng trái phép ven đường, các chủ hộ kinh doanh tận dụng tối đa vỉa hè để bày hàng, dựng biển hiệu quảng cáo dày đặc... Bên cạnh đó, công tác quản lý hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập. Tại một số tuyến đường công tác phát quang, nạo vét rãnh thoát nước dọc chưa đảm bảo theo quy định như các tuyến ĐT.252B, ĐT.258, QL.279, ĐT.254... Có tuyến các công trình giao thông như cột H, gương cầu bị đập vỡ như tuyến ĐT.257, tình trạng cọc H, cọc tiêu, cột Km tại các tuyến ĐT.254, ĐT.257B chưa được sơn lại, nhiều vị trí bị mờ làm giảm hiệu lực hướng dẫn giao thông.
Năm 2015, lực lượng Thanh tra giao thông Bắc Kạn đã thực hiện 69 cuộc tuần tra, kiểm tra trên 17 tuyến đường bộ và tuyến đường thủy do ngành quản lý, đã phát hiện là 92 trường hợp vi phạm HLATĐB, trong đó lập biên bản vi phạm hành chính 09 trường hợp, nhắc nhở tự khắc phục, tháo dỡ 51 trường hợp; đề nghị chính quyền địa phương giải quyết theo thẩm quyền đối với 41 trường hợp. Các trường hợp vi phạm được chính quyền địa phương tuyên truyền, yêu cầu các hộ vi phạm cam kết tự giác dịch chuyển, tuy nhiên mới chỉ có 05 trường hợp do chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm hành chính đã tự giác thực hiện việc dỡ bỏ phần vi phạm.
Các ý kiến tổng hợp gửi về Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Kạn cho thấy, Ban ATGT các huyện, xã đều thừa nhận: Tình hình lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất của đường bộ còn diễn ra phổ biến, các vi phạm về HLATĐB chưa được phát hiện kịp thời, chưa được xử lý triệt để.
Cần quyết liệt lập lại hành lang an toàn đường bộ
Được giao nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường tỉnh, Công ty Cổ phần Xây dựng và công trình giao thông Bắc Kạn đã phát hiện nhiều tồn tại trong hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến tỉnh lộ. Theo ông Vũ Văn Khiết – Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng & Công trình giao thông Bắc Kạn, tình trạng vi phạm lòng lề đường, rãnh dọc, đất trong khu vực thu hồi chưa sử dụng hết bị người dân lấn chiếm, sử dụng trái phép rất phổ biến. Tuy phát hiện nhiều sai phạm, nhưng với chức năng và thẩm quyền của mình, đơn vị cũng chỉ thực hiện lập báo cáo gửi về các phòng, ban chức năng hoặc các địa phương để có biện pháp xử lý và giải tỏa.
Trong khi đó, tại nhiều cuộc họp, các địa phương đều cho rằng công tác này thực sự khó quản lý, chưa thể giải quyết dứt điểm bởi tình trạng tái lấn chiếm thường xuyên tái diễn. Ông Khương Danh Thái – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bằng Lũng cho biết: “Ban ATGT thị trấn đã xây dựng kế hoạch chi tiết, tuyên truyền vận động thường xuyên, các hộ kinh doanh cũng đã cam kết từ 02 năm trước. Tuy nhiên cứ sáng dẹp, chiều lại vi phạm, các lều quán dựng bằng khung di động, dễ lắp ráp. Khi lực lượng chức năng kiểm tra xử lý thì các hộ kinh doanh sẵn sàng nộp phạt nhưng vẫn cứ vi phạm, thậm chí còn bỏ cả biển hiệu bị tịch thu, làm lại cái khác...”.
Ông Bùi Văn Hải – Phó Chánh Thanh tra (Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn) cho biết: Tình trạng các tổ chức, cá nhân chiếm dụng lòng lề đường, rãnh dọc để tập kết vật liệu xây dựng, củi, gỗ, phơi lâm thổ sản, dựng lều lán tạm bán hàng theo mùa vụ vẫn còn diễn ra khá phổ biến trên các tuyến đường trong tỉnh. Để siết chặt quản lý hành lang an toàn đường bộ, về phía Thanh tra Sở, năm 2016 sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức tới tận thôn bản, và tuyên truyền tới đúng đối tượng. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền, ký cam kết với các hộ dân sinh sống dọc theo các tuyến đường. Đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng giải tỏa vi phạm góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong quản lý lòng lễ đường rãnh dọc cũng như lập lại hành lang an toàn đường bộ cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của đơn vị quản lý đường bộ và chính quyền cơ sở, đặc biệt nêu cao vai trò của thôn bản và các tổ chức chính trị tại địa phương...”.
Cũng theo ông Hải, hiện tại Thanh tra Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn đang triển khai kế hoạch số 253/KH- BCĐ ngày 14/3/2016 của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế 5425 của tỉnh, thực hiện kế hoạch phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện Chợ Đồn. Trong đó nhấn mạnh nội dung kiểm tra, xử lý, giải tỏa vi phạm lòng lề đường, rãnh dọc. Kết thúc kế hoạch tại huyện Chợ Đồn sẽ sơ kết rút kinh nghiệm để nhân rộng trên địa bàn các huyện khác ngay trong năm 2016.
Tuy nhiên, để tình trạng vi phạm HLATĐB không tái diễn thì không thể chỉ có sự quyết liệt của ngành giao thông, bởi theo quy định thì UBND cấp huyện là cơ quan quyết định việc cưỡng chế vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp căn cơ, đồng bộ giữa các lực lượng chức năng và chính quyền sở tại trong việc tuyên truyền, rà soát, thống kê, phân loại, cưỡng chế, giải tỏa các vi phạm để lập lại hành lang an toàn đường bộ tại các địa phương trong tỉnh Bắc Kạn./.