Mới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bắc Giang đã tổ chức hội nghị kiểm điểm công tác kiểm soát tải trọng xe.
Xử lý xe quá tải tại Trạm Kiểm soát tải trọng xe lưu động tỉnh.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, thời gian qua, công tác kiểm soát tải trọng xe đã được các sở, ngành, UBND các huyện, TP quan tâm chỉ đạo, thực hiện khá đồng bộ trên toàn tỉnh. Trong đó, Sở GTVT, Công an tỉnh Bắc Giang đã phối hợp tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ tại Trạm Kiểm soát tải trọng xe lưu động; phối hợp tổ chức 2 tổ công tác xử lý các xe quá khổ, quá tải trên các tuyến quốc lộ.
UBND các huyện, TP thành lập, duy trì các tổ công tác liên ngành xử lý xe quá khổ, quá tải trên các tuyến đường tỉnh, huyện... Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý gần 6 nghìn phương tiện vi phạm với số tiền gần 22 tỷ đồng.
Các đại biểu đã thảo luận, làm rõ hạn chế trong kiểm soát tải trọng xe như: Tổ công tác tại các huyện, TP không duy trì hoạt động; công tác kiểm tra, xử lý việc thực hiện cam kết tại các điểm mỏ, DN, nguồn hàng chưa hiệu quả. Nhiều địa phương chưa tích cực tuyên truyền, chỉ đạo, xử lý quyết liệt trường hợp vi phạm... Tình trạng vi phạm diễn ra phổ biến, xe quá tải ngang nhiên lưu thông mật độ nhiều hơn.
Nhiều xe trọng tải lớn cũng cơi nới thùng để chở quá tải. Nhiều ý kiến cho rằng, việc kiểm soát xe quá khổ, quá tải không khó vì theo quy định các xe tải từ 10 tấn trở lên đều phải có phù hiệu chạy xe, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, DN vận tải phải có giấy phép kinh doanh vận tải. Từ ngày 1/7 tới, xe từ 7 tấn trở lên cũng phải lắp đặt đầy đủ thiết bị theo quy định.
Do vậy, khi phát hiện xe quá tải chỉ cần trích xuất dữ liệu để xác định điểm đi, nơi đến là có thể xử lý cá nhân, đơn vị, DN, chủ đầu tư tiếp tay cho xe quá tải. Vấn đề ở chỗ, các cấp, ngành, lực lượng có thực sự vào cuộc để kiểm soát tải trọng xe hay không.
Trước tình trạng trên, nhiều ý kiến nêu giải pháp khắc phục thời gian tới. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho rằng, cần tổ chức thực hiện một cách bài bản, quy rõ địa bàn kiểm soát, trách nhiệm lực lượng, cá nhân tham gia xử lý để không còn tình trạng đùn đẩy, đổ lỗi cho nhau. Theo phân cấp hiện nay, Công an tỉnh có nhiệm vụ kiểm soát tuyến quốc lộ, Công an huyện kiểm soát đường tỉnh, huyện.
Tuy nhiên, Quốc lộ 17 đoạn qua huyện Yên Dũng có nhiều điểm mỏ, công trình lớn, lượng xe quá tải dày đặc nhưng huyện không có quyền kiểm tra. Trao đổi về nội dung này, Thượng tá Bùi Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ, việc phân cấp kiểm soát các tuyến đường là quy định của Bộ Công an. Theo chỉ đạo của Công an tỉnh, lực lượng kiểm soát chủ lực trên các tuyến quốc lộ vẫn là Công an các huyện, TP, Phòng Cảnh sát giao thông chỉ cử cán bộ phối hợp.
Thời gian tới, các lực lượng sẽ tăng cường phối hợp thực hiện để đạt hiệu quả cao hơn. Chính quyền các địa phương cần có biện pháp xử lý DN, chủ bến bãi, điểm mỏ cam kết nhưng vẫn vi phạm, bị xử lý nhiều lần mà không có chuyển biến.
Chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát tải trọng xe, ông Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Giang cho biết, TP đã cho dựng cọc bê tông, hạn chế tải trọng ngay tại các bến, bãi tập kết vật liệu trên địa bàn, lắp đặt thí điểm camera theo dõi vi phạm an toàn giao thông trên một số tuyến đường. Kết quả ban đầu khả quan. Tuy nhiên, để xử lý triệt để thì các ngành, các cấp cần tiếp tục phối hợp đồng bộ, kiên quyết vào cuộc.
Lãnh đạo Sở GTVT Bắc Giang cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở, Công an tỉnh có biện pháp xử lý, lập lại trật tự, cơ bản giải quyết tình trạng xe quá khổ, quá tải trong tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, hai ngành quyết tâm hoàn thành ngay trong tháng 6 này. Để đạt được mục tiêu đó, các đơn vị, lực lượng sẽ phối hợp kiểm tra việc thực hiện cam kết tại DN, bến bãi, điểm mỏ, nguồn hàng; kiện toàn tổ công tác liên ngành tại các huyện, TP; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.