Sau hơn 2 năm hoạt động trạm kiểm tra tải trọng, tình trạng xe quá tải trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã giảm 90%, góp phần đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông và trật tự an toàn giao thông…
Xe quá tải giảm 90%
Trạm kiểm tra tải trọng lưu động Bình Thuận được UBND tỉnh thành lập ngày 7/4/2014 theo công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ và Kế hoạch 12593 của liên Bộ Giao thông vận tải và Công an về phối hợp kiểm tra xử lý xe quá tải trọng.
Sau khi thành lập, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, lực lượng tham gia gồm Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Kiểm soát quân sự đã tích cực phối hợp, duy trì hoạt động 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần. Trong đó nhiệm vụ chính là kiểm soát tải trọng trên tuyến QL1A, tuần tra kiểm tra tải trọng lưu động trên các tuyến đường, kiểm soát tải trọng xe tại các cảng, mỏ vật liệu và các đầu mối hàng hóa trong việc thực hiện cam kết không xếp hàng lên xe quá tải trọng cho phép tham gia giao thông, không cơi nới thùng xe và không chở quá tải trọng. Mục đích là nhằm đảm bảo kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần nâng cao ý thức của chủ phương tiện và lái xe về quy định tải trọng.
Xe quá khổ quá tải được trạm cân phát hiện đưa vào kiểm tra.
Thời gian đầu mới hoạt động, Trạm kiểm tra tải trọng xe gặp không ít khó khăn như: phần mềm cân tải trọng thường xuyên bị treo, các lái xe quá tải tìm mọi cách để đối phó, tránh né sự kiểm tra, xử lý của trạm: dừng xe hai bên đường thành đoàn, liên kết với nhau để vượt trạm; cố tình gây cản trở, gây ách tắc giao thông; các lái xe, phụ xe có hành vi kích động gây áp lực, đe dọa cán bộ, nhân viên trạm cân; tình trạng “cò mồi” dẫn đường cho xe “né” trạm. Đồng thời, vị trí trạm đặt tại Km1705+250 Quốc lộ 1A, gần trung tâm TP. Phan Thiết có nhiều tuyến đường nhánh nên tình trạng xe đối phó né trạm gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra.
Qua hơn 2 năm hoạt động, trạm và các tổ kiểm tra lưu động đã kiểm tra 25.685 phương tiện, trong đó phát hiện 5.101 xe vi phạm với số tiền phạt nộp ngân sách hơn 39,5 tỷ đồng; tước trên 3.000 giấy phép lái xe vi phạm. Qua đó, tình hình xe quá tải hiện đã giảm khoảng 90% so với trước đây. Trạm cân Bình Thuận được liên Bộ Giao thông vận tải và Công an đánh giá là một trong các trạm hoạt động hiệu quả nhất cả nước. Hiện nay các phương tiện vi phạm tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa và một số phương tiện vận chuyển hàng hóa đường dài đi qua địa bàn tỉnh.
Lo tái phát xe quá tải
Ngày 30/8, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an tổ chức hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện Kế hoạch 12593. Theo đánh giá của liên bộ, tình hình xe quá tải trên cả nước đã giảm 92% so với trước khi thực hiện kế hoạch, đồng thời thông báo kết thúc thực hiện Kế hoạch 12593 về phối hợp xử lý xe quá tải. Theo đó, lực lượng CSGT, Cảnh sát cơ động và Kiểm soát quân sự trước đây phối hợp sẽ tạm nghỉ kể từ ngày 20/9. Đồng thời liên bộ cũng đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác kiểm soát tải trọng trên địa bàn, ưu tiên sử dụng kinh phí từ quỹ bảo trì đường bộ và nguồn thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ để đảm bảo cho công tác kiểm tra tải trọng xe.
Ngày 19/9, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tổ chức hội nghị về kiểm tra tải trọng xe. Trong đó yêu cầu các Sở Giao thông vận tải tiếp quản sử dụng xe và thiết bị của trạm cân tải trọng trên các tuyến quốc lộ được Bộ Giao thông vận tải ủy thác và các tuyến đường địa phương. Trước tình hình trên, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Thanh tra giao thông tiếp tục phân công lực lượng và các nhân viên kỹ thuật trực tại trạm. Tuy nhiên, trước việc tạm giải thể các lực lượng tham gia thường trực, trong đó có Cảnh sát giao thông cũng làm nhiều người lo ngại tình trạng xe quá tải sẽ bùng phát trở lại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Ninh Thạch, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Bình Thuận cho biết: Công tác kiểm tra tải trọng sẽ tiếp tục được tăng cường như thời gian qua, để bảo đảm kết cầu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Hiện nay sau khi kết thúc Kế hoạch 12593 của liên bộ, Sở Giao thông vận tải đang chờ kết luận và hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giao thông vận tải và sở sẽ xây dựng kế hoạch hoạt động mới của trạm để trình UBND tỉnh phê duyệt đi vào hoạt động.
Liên quan việc kiểm soát tải trọng xe, Sở Giao thông vận tải cũng vừa đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, có văn bản yêu cầu chủ đầu tư Trạm thu phí BOT Quốc lộ 1A Bình Thuận tại Km1661+600 thuộc xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình (hiện nay tại trạm thu phí này đã lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống cân tải trọng theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải), phối hợp, tạo điều kiện để tỉnh Bình Thuận triển khai việc đặt Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tích hợp với Trạm thu phí theo đúng đề án điều chỉnh quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu tại kế hoạch hành động “Năm An toàn giao thông - 2016” của Bộ Giao thông vận tải.