Nghị định 46/2016 ra đời và có hiệu lực từ tháng 8/2016 đã trao thẩm quyền cho lực lượng cảng vụ hàng hải xử lý các bến, cảng biển (là đầu mối xếp hàng) nếu bốc xếp hàng lên xe quá tải. Phóng viên website Thanh tra GTVT đã có cuộc trao đổi với ông Thạch Như Sỹ – Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT xung quanh vấn đề này.
Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT Thạch Như Sỹ tại buổi công bố triển khai
Quyết định kiểm tra công tác kiểm soát tải trọng tại Bến, cảng,
và đầu mối bốc xếp hàng hoá tại Tỉnh Quảng Ngãi năm 2016. (Ảnh: Quang Minh)
PV: Thưa ông, từ khi Nghị định 46 có hiệu lực, việc kiểm soát tải trọng tại các cảng biển được thực hiện ra sao?
Ông Thạch Như Sỹ: Theo quy định của pháp luật, một phương tiện chở hàng vượt quà tải trọng thì có 3 chủ thể bị xử phạt gồm: Người bốc xếp hàng, Chủ phương tiện và lái xe. Từ khi có Nghị định 46, ngoài việc kiểm soát tải trọng đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Trước hết, về mức phạt đối với 3 chủ thể gồm lái xe, chủ phương tiện và người bốc dỡ hàng hóa lên xe quá tải trọng cho phép mức xử phạt so với mức phạt trước đây tăng nặng hơn. Nhiều mức phạt đã thể hiện được sự răn đe cao. Có những mức phạt tăng rất nặng, như quy định nếu chở quá tải trọng trên 150% phạt (Chủ phương tiện bị xử phạt từ 56 đến 64 triệu đồng). Hay như quy định người bốc dỡ hàng hóa trước đây mức phạt cao nhất từ 2 – 4 triệu đồng, nhưng hiện nay theo quy định tại Điều 28 sẽ bị phạt từ 6 đến 8 triệu đồng. Các mức phạt này đã đủ sức răn đe cả lái xe, người bốc hàng và chủ phương tiện.
Ưu điểm nữa, đó là Nghị định 46 giao thêm thẩm quyền cho cảng vụ hàng hải, cảng vụ đường thủy và hàng không đều có quyền xử phạt các hành vi bốc xếp hàng hóa vượt quá tải trọng lên phương tiện giao thông đường bộ đối các bến, cảng. Hơn nữa, các lực lượng này cũng được phép xử phạt các chủ bến, bãi, cảng để xe quá tải rời cảng, bến, bãi. Như vậy có thể thấy thẩm quyền, cũng như mức phạt đều đã tăng đủ sức răn đe tác động tích cực, nâng cao ý thức chấp hành các quy định về việc xếp hàng đúng quy định của chủ các bến, cảng và giải quyết tận gốc của việc chở hàng vượt quá tải trọng.
PV: Thời gian qua, các cảng vụ hàng hải đã áp dụng triệt để được những quy định này?
Ông Thạch Như Sỹ: Thời gian qua, chúng tôi kiểm tra tại một số cảng vụ hàng hải như Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Trị, Quảng Ngãi... và thấy rằng lượng phương tiện quá tải giảm hẳn so với trước. Trách nhiệm của cảng vụ được nâng lên. Cục Hàng hải VN cũng đã quan tâm kiểm soát tải trọng, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ kiểm tra xử lý các đầu mối bốc xếp hàng hóa lên xe quá tải tại các cảng. Các lớp này tập trung trang bị các kiến thức về pháp luật, Nghiệp vụ phát hiện xe quá tải và xử lý các vi phạm đối với chủ bến, cảng bốc xếp hàng lên ô tô vượt quá tải trọng. Tôi đánh giá cao Cục Hàng hải VN thực hiện tốt việc này.
Hơn nữa, các cảng vụ đã coi đây là một trong những nhiệm vụ của mình, thực hiện theo chỉ đạo, quan tâm hơn việc kiểm soát tải trọng. Đơn cử như cảng vụ Quy Nhơn và cảng vụ Khánh Hòa cập nhật thông tin hàng ngày về xe ra vào, tăng cường kiểm tra sát sao. Dù còn thiếu trang thiết bị, nhưng lực lượng của hai cảng vụ này đã rất cố gắng dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau phát hiện xe quá tải.
PV: Theo ông hiện nay, những cảng nào có nguy cơ tồn tại xe quá tải?
Ông Thạch Như Sỹ: Tôi cho rằng các cảng container hiện nay đã chấp hành nghiêm việc chở đúng tải. Các cảng có nguy cơ để xảy ra xe quá tải hiện nay chủ yếu tập trung tại những cảng tổng hợp, đặc biệt là những hàng rời như cảng than, xi măng, quặng...
PV: Thẩm quyền để xử phạt đã có, nhưng hiện nay vẫn còn những khó khăn nhất định trong kiểm soát, xử lý xe quá tải tại cảng biển?
Ông Thạch Như Sỹ: Hiện nay các cảng vụ có nhiều cách để phát hiện xe quá tải. Đối với xe chở hàng xi măng, có thể phát hiện qua mắt thường bằng cách đếm bao và đối chiếu với phiếu tải trọng. Đối với xe chở cát, sỏi có thể đếm khối và nhân tỷ trọng. Có thể kiểm tra xác suất cân tại cảng...
Tôi cho rằng khó khăn của các cảng vụ hiện nay để xử lý xe quá tải, đó là việc kiểm soát các xe đến cảng. Trong chỉ đạo của Bộ GTVT yêu cầu các bến cảng không cho xe chở quá tải trọng vào hoạt động trong cảng và bốc dỡ hàng. Nhưng thực ra, việc bốc dỡ ở nơi khác. Hơn nữa khi xe tới cảng cũng khó xác định được tải trọng của phương tiện. Nếu bắt xe quay lại sẽ mất bạn hàng, mà xử phạt lại không có thẩm quyền.
Hay một số xe chở hàng từ nước ngoài về như Lào, Campuchia đến các cảng cũng không ghi rõ tải trọng chuyên chở được phép là bao nhiêu.
PV: Để tháo gỡ được các khó khăn này cần phải làm gì?
Ông Thạch Như Sỹ: Theo tôi cần có những giải pháp đồng bộ. Đối với các phương tiện đến cảng mà chở quá tải, kiên quyết không cho vào. Nếu các cảng vẫn cho phương tiện vào cảng sẽ bị phạt nghiêm. Các cảng phải có trách nhiệm ghi chép chính xác số liệu tải trọng của xe ra vào cảng để lực lượng cảng vụ theo dõi, xử lý nếu có. Lực lượng thanh tra giao thông các địa phương cũng phải vào cuộc tích cực hơn nữa kiểm soát, xử lý xe quá tải ngay trên đường và phối hợp với các cảng vụ để xử lý vi phạm.
Hiện các lực lượng chức năng kiểm soát xe quá tải cũng đang thiếu cân xách tay, trong đó có cả lực lượng của cảng vụ. Theo tôi, trang bị cân xách tay cho lực lượng này cũng là cần thiết để khi nghi ngờ xe quá tải có thể kiểm tra tại chỗ rất hiệu quả.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Quang Minh (Thực hiện)
Theo số liệu từ Cục Hàng hải VN, từ tháng 8 đến nay đã phát hiện, xử lý hơn 140 trường hợp xe chở quá tải tại cảng biển. Các cảng vụ xử lý được nhiều gồm: Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa hơn 20 xe, cảng vụ Quảng Bình 19 xe...
|