Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, từ năm 2011 đến nay, đã triển khai 3.461 cuộc thanh tra chuyên ngành gồm 121 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 2.340 cuộc độc lập.
Thanh tra GTVT Hà Nội xử lý một xe vi phạm. Ảnh: O.H
Đáng chú ý, hiệu lực của thanh tra chuyên ngành đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước gần 6,6 tỷ đồng; phạt tiền 30 triệu đồng và kiến nghị thu 6 thẻ sát hạch viên của 3 đơn vị đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; thu hồi giấy phép kinh doanh 2 tháng với 2 doanh nghiệp vận tải. Đồng thời, yêu cầu các đối tượng thanh tra, tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến tồn tại, sai phạm theo quy định.
Song song với đó, từ tháng 7/2014 đến hết năm 2016, các lực lượng thanh tra chuyên ngành thuộc Tổng cục ĐBVN đã xử phạt hàng nghìn trường hợp vi phạm. Trong đó, 978 trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ bị xử phạt gần 7,75 tỷ đồng, chuyển chính quyền địa phương xử phạt 3.696 trường hợp và yêu cầu 119 trường hợp khắc phục hậu quả.
Đối với vi phạm quy định về thi công, bảo trì công trình trong phạm vi hành lang đất dành cho đường bộ, với tổng số tiền hơn 4,26 tỷ đồng, đã chuyển chính quyền địa phương ra quyết định xử phạt 118 trường hợp vi phạm, 280 trường hợp khắc phục hậu quả và đình chỉ thi công với 122 trường hợp...
Đặc biệt, lĩnh vực vận tải và điều khiển phương tiện giao thông ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của Thanh tra giao thông đường bộ với tổng số 5.450 trường hợp bị thanh tra, kiểm tra và xử lý với số tiền trên 71 tỷ đồng, bổ sung tước giấy phép lái xe đối với 1.997 đối tượng vi phạm.
Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục ĐBVN, Tổng cục không được tổ chức, bộ máy cơ quan thanh tra độc lập, nên trong thực tế việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và xử lý các vi phạm pháp luật theo chức năng quản lý về lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) đường bộ còn gặp khó khăn.
Thực tế, tổ chức bộ máy quản lý GTVT đường bộ hiện nay được tổ chức theo 3 cấp gồm: Tổng cục, Cục và các chi cục quản lý đường bộ. Tuy nhiên, việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đường bộ chỉ được thực hiện theo 2 đầu mối gồm: Vụ Pháp chế - Thanh tra tại Tổng cục ĐBVN và Đội Thanh tra – An toàn tại các Cục Quản lý đường bộ. Không có bộ phận đầu mối thanh tra chuyên ngành tại các chi cục Quản lý đường bộ nên việc triển khai các nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại cơ sở còn chưa cao, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thanh tra chuyên ngành.
Do vậy, Cơ quan quản lý đường bộ đề nghị cần sửa đổi Điều 30 của Luật Thanh tra 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quy định Tổng cục ĐBVN được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập. Tổ chức thanh tra chuyên ngành độc lập và là cơ quan thanh tra nhà nước để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đường bộ.
Đồng thời, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn đối với Tổng cục ĐBVN được thực hiện chức năng thanh tra hành chính đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục. Cũng như bổ sung quy định về tiêu chuẩn trưởng đoàn thanh tra phải là công chức thanh tra.
Đội Trưởng Đội Thanh tra – An toàn (Cục Quản lý đường bộ 2) Hồ Văn Sự đề xuất, cần sự thống nhất, cụ thể hình thức thanh tra thường xuyên theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 Luật Thanh tra năm 2010; quy định cho phép việc ủy quyền phân công công chức thanh tra tiến hành thanh tra thường xuyên để thuận lợi hơn cho công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại cơ sở.
Theo ông Sự, có những vụ việc, dấu hiệu vi phạm khi thanh tra chuyên ngành đường bộ phát hiện phối hợp với chính quyền cấp huyện, cấp xã nhưng lại ít được xử lý, xử phạt theo thẩm quyền đã được quy định rất rõ trong Điều 41, 42 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP. Do vậy, để tăng hiệu quả, hiệu lực của thanh tra chuyên ngành tại cơ sở thì cần có sự phối hợp tích cực và trách nhiệm hơn nữa từ chính quyền địa phương.