Ngành Thanh tra cần thực hiện ‘kỷ cương, liêm chính, công minh, tuân thủ pháp luật’

Thứ tư, 17/01/2018 08:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Thanh tra Chính phủ, sáng 16/1.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, ghi nhận sự nỗ lực và biểu dương những kết quả công tác năm 2017 của ngành thanh tra.

Phát hiện các vụ tiêu cực mới tập trung ở các đoàn thanh tra của bộ, ngành

Đi vào hoạt động cụ thể năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng ngành thanh tra có những tiến bộ nhất định và cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.

Đó là việc ban hành kết luận một số cuộc thanh tra còn chậm, đặc biệt là các cuộc thanh tra đột xuất, được dư luận quan tâm. Việc quản lý các đoàn thanh tra còn chưa chặt chẽ, có dư luận về việc thiếu công khai minh bạch ở một số đoàn thanh tra. Chất lượng một số cuộc thanh tra còn hạn chế, xử lý vi phạm chưa kịp thời, nghiêm minh (nhất là xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức vi phạm). Số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự còn ít. Kết quả xử lý sau thanh tra, thu hồi tiền và tài sản cho Nhà nước chưa đạt yêu cầu đề ra.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo còn nhiều hạn chế. Số vụ khiếu nại có xu hướng giảm, nhưng khiếu nại đông người lại tăng 10,2% so với năm 2016. Việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân ở các bộ, ngành và phần lớn ở các địa phương còn kéo dài, không dứt điểm; có vụ việc giải quyết chưa đúng, chưa thấu tình đạt lý, công dân không đồng tình về hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tỷ lệ giải quyết còn thấp hơn so với mục tiêu đề ra (dưới 85%).

Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn thiếu quyết liệt và hiệu quả chưa cao.

“Việc phát hiện và xử lý vi phạm qua thanh tra ở các tỉnh, đặc biệt ở các tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn, diễn ra nhiều hoạt động tài nguyên khoáng sản, chuyển đổi đất công chưa có chuyển biến rõ rệt. Thanh tra phát hiện được các vụ tiêu cực chủ yếu tập trung ở các đoàn thanh tra của các bộ, ngành Trung ương. Ở địa phương thì chuyển biến rất chậm”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ.

Về thể chế, các cơ sở pháp luật cho công tác phòng, chống tham nhũng chậm được ban hành. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung để khắc phục những bất cập của chính sách pháp luật vẫn còn chậm như việc kê khai, xác minh tài sản, thu nhập còn nhiều hạn chế...

Bên cạnh đó, công tác tổ chức bộ máy ngành thanh tra còn bất cập, chưa phát huy được chức năng quản lý Nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ thanh tra còn hạn chế; đạo đức, tác phong, kỹ năng chưa tốt; có biểu hiện mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nội bộ; xuất hiện nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo trong nội bộ, nhưng việc giải quyết còn chậm, chưa dứt điểm, gây dư luận không tốt. Đây là vấn đề phải đánh giá kỹ, sắp tới đây phải có giải pháp chấn chỉnh, kiên quyết, triệt để, không thể để tình trạng này kéo dài; qua kiểm tra mà có sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh.

Phó Thủ tướng Trường Hòa Bình trao Huân chương Lao động cho các cá nhân có thành tích tiêu biểu. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Có biện pháp cá thể hóa trách nhiệm khi xảy ra vi phạm

Về nhiệm vụ công tác năm 2018, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra cần phải cụ thể hóa Nghị quyết của Chính phủ thành chương trình hành động cụ thể, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Chính phủ tập trung cao cho xây dựng thể chế, nên Thanh tra Chính phủ cần nỗ lực triển khai công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án, luật được giao chủ trì soạn thảo. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để khắc phục sơ hở trong công tác quản lý. Công tác này đòi hỏi Thanh tra Chính phủ phải tích cực, chủ động, phối hợp tốt với các ủy ban của Quốc hội và các bộ, ban, ngành có liên quan để hoàn thiện thể chế. Đồng thời phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách pháp luật và công tác hoạt động của ngành thanh tra.

Triển khai thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, gắn với thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm để phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý, trong thực thi pháp luật. Đổi mới công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra chuyên đề, giảm thanh tra vụ việc, tập trung vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; tập trung khắc phục việc chậm ban hành kết luận thanh tra, xử lý các vi phạm thông qua thanh tra.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ ngành thanh tra phải làm hết chức năng, quyền hạn, thẩm quyền của mình trong pháp luật về thanh tra đề ra. Thẩm quyền của thanh tra trong việc yêu cầu kê biên tài sản, yêu cầu kê biên tài khoản, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải xuất trình tài liệu, giải trình; có biện pháp cá thể hóa trách nhiệm khi xảy ra vi phạm, kể cả người đứng đầu. Chúng ta vừa qua đã chưa kiên quyết, chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình, còn nể nang, có dư luận về bao che, tiêu cực.

Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quan tâm tiếp dân, đối thoại và gắn với xem xét, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp với thực tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, không để công dân khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, phát sinh điểm nóng.

Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp, làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân. Các bộ ngành, địa phương phải thấy rõ trách nhiệm, nhận thức đầy đủ, phát huy vai trò của người đứng đầu làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân đúng với bản chất của vụ việc, vận dụng tốt các chính sách đã được quy định, nhằm giải quyết thấu tình, đạt lý, đúng quy định pháp luật.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, cấp ủy trong làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân. “Nếu nơi nào không thực hiện tốt thì phải có kiểm điểm, xử lý người có trách nhiệm. Thực trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, gây bức xúc thì sau khi xem xét thì thấy nhiều trường hợp nguyên nhân là do địa phương giải quyết chưa tốt, chưa thấu tình, đạt lý, thậm chí có trường hợp có lợi ích nhóm chi phối, vi phạm pháp luật”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Tiếp tục triển khai kế hoạch phối hợp xử lý, giải quyết 463 vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp theo báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố. Xử lý triệt để các khiếu nại tồn đọng, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%.

Hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về phòng chống tham nhũng theo Nghị quyết 126. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đổi mới phương thức theo dõi, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là đối với UBND cấp tỉnh, chỉ rõ nơi làm tốt, nơi chưa làm tốt.

Tăng cường quản lý Nhà nước và hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho hoạt động của ngành thanh tra có hiệu quả.

Tăng cường phối hợp trong ngành và phối hợp với các ngành liên quan, coi đây là biện pháp quan trọng để tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong kết luận và xác định biện pháp xử lý.

“Ngành thanh tra phải phối hợp tốt với các ban, ngành, các ủy ban của Quốc hội, MTTQ, cơ quan báo chí để nắm bắt, xác minh các vụ việc phục vụ cho công tác xử lý nghiêm các vi phạm. Ngành thanh tra phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, viện kiểm sát. Kết luận thanh tra phải chỉ rõ các dấu hiệu vi phạm, nếu vi phạm hình sự thì phải chuyển cơ quan điều tra, viện kiểm sát thực hiện nghiêm minh các bước xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu cơ quan điều tra, viện kiểm sát không phản hồi thì báo cáo cấp có thẩm quyền”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chú trọng công tác xây dựng lực lượng thanh tra, đặc biệt là công tác cán bộ vì đây là gốc của mọi vấn đề. Phải thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức, tác phong làm việc, ứng xử văn hóa, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, xử lý nghiêm các cán bộ có vi phạm, thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành thanh tra. Có cơ chế quản lý chặt chẽ hoạt động các đoàn thanh tra. Đổi mới phương thức tuyển chọn, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, công chức ngành thanh tra đúng năng lực, đúng quy định. Có biện pháp chấn chỉnh công tác tổ chức cán bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, giải quyết tình trạng đơn thư tố cáo trong nội bộ.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành các hoạt động thanh tra; nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp thanh tra, đặc biệt là phải xây dựng đội ngũ thanh tra “Gương mẫu, đạo đức, chính trực, bản lĩnh, trung thành”.

Ngành Thanh tra phải thấm nhuần và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi, gương mờ thì không soi được”; "Phẩm chất của người cán bộ thanh tra là phải tự mình nghiêm chỉnh, phải có đạo đức cách mạng".

Ngành Thanh tra nghiên cứu để xây dựng, triển khai chương trình hành động học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong ngành và đối với cán bộ thanh tra; kiên quyết xây dựng ngành Thanh tra trong sạch vững mạnh.

Ngành Thanh tra nghiên cứu, xây dựng chủ đề công tác năm theo tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, công minh, tuân thủ pháp luật”

Chinhphu.vn

Nguồn: Chinhphu.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)