Đảm bảo hiệu quả, chất lượng, tạo động lực mạnh mẽ đối với tập thể, cá nhân, phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đồng thời rèn luyện, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm, tăng cường đoàn kết, hợp tác… trong công tác đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thanh tra, đó là mục đích của Kế hoạch số 108/KH-TTCP do Thanh tra Chính phủ mới ban hành.
Phát huy truyền thống 75 năm ngày thành lập ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2020), trong năm 2021, ngành sẽ bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để triển khai hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đáp úng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kế hoạch số 108/KH-TTCP yêu cầu, việc tổ chức phong trào thi đua cần đi vào thực chất, tránh hình thức; cần xác định rõ biện pháp tổ chức thực hiện; tiêu chí đánh giá thi đua phải bám sát mục tiêu thi đua, ngoài ra công tác thi đua khen thưởng gắn với hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành, của đơn vị theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trên các lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Với chủ đề: “Siết chặt kỷ cương, tăng cường hiệu quả”, Kế hoạch này đưa ra các nội dung thi đua như như tiếp tục phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành; các Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác thi đua, khen thưởng, và đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị 2100/CT-TTCP ngày 02/12/2020 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc phát động phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2021-2025).
Đồng thời, tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, trong việc tổ chức học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục, có hệ thống về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện nghiêm Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cấp ủy, lãnh đạo, các tổ chức quần chúng và trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thanh tra. Thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các quyết định của Ban Cán sự Thanh tra Chính phủ và quyết định, chỉ thị của Tổng Thanh tra Chính phủ liên quan đến kỷ luật, kỷ cương và quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra.
Nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, Kế hoạch 108/KH-TTCP yêu cầu Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải gương mẫu chấp hành, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, các biểu hiện tiêu cực, cục bộ, mất đoàn kết, thái độ hách dịch, quan liêu, cửa quyền, lợi dụng công vụ đế vụ lợi; định kỳ kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện cùng với kết quả công tác để kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và làm căn cứ, cơ sở để phân loại, bình xét thi đua - khen thưởng; chịu trách nhiệm về việc để nội bộ đơn vị mất đoàn kết, công chức, viên chức, người lao động vi phạm.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, cần kịp thời phát hiện, biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến, đề xuất với Tổng Thanh tra Chính phủ, với cấp có thẩm quyền có hình thức khen thưởng nhằm động viên, khích lệ, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Thanh tra nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.
Một mặt thi đua nâng cao hiệu quả công tác trong công tác thanh tra, kiểm tra như: hoạt động này phải bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm bảo đảm phù hợp với bối cảnh, tình hình hiện nay; bám sát, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở các cấp, các ngành, đổi mới trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi, quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra. Phấn đấu hoàn thành 100% các cuộc thanh tra theo kế hoạch, các cuộc thanh tra đột xuất được giao.
Mặt khác, trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, toàn ngành thi đua thực hiện tốt Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định của cấp có thẩm quyền liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, toàn ngành triển khai thi hành Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018; Đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả; khẩn trương triển khai thi hành những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, thanh tra phát hiện, xử lý tham nhũng... tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tiếp đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng thể chế và xây dựng ngành; tiếp tục hưởng ứng 04 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động...
Tổng Thanh tra Chính phủ phát động, tổ chức chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi toàn ngành Thanh tra, đồng thời trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị thông tin về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra để được hướng dẫn thực hiện, Kế hoạch số 108/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh./.