Chủ động thanh tra, kiểm tra sớm để ngăn ngừa vi phạm

Thứ tư, 17/03/2021 08:34
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo phải rà soát, xây dựng kế hoạch thanh tra toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; chủ động thanh tra, kiểm tra sớm nhằm kịp thời chấn chỉnh, phòng ngừa những sai sót, vi phạm. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lâm Văn Hoàng xung quanh vấn đề này.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra các dự án công trình giao thông trọng điểm để bảo đảm chất lượng thi công

PV: Thưa đồng chí, việc chủ động thanh tra, kiểm tra sớm nhằm kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn sai sót, vi phạm có ý nghĩa thế nào?

Đồng chí Lâm Văn Hoàng: Thanh tra, kiểm tra là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý nhà nước nhằm kịp thời phát hiện sơ hở, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nhận thức rõ tầm quan trọng và mục đích của hoạt động thanh tra, kiểm tra, trong đó đặc biệt là tính chất phòng ngừa vi phạm, thanh tra ngành GTVT xác định công tác thanh tra, kiểm tra phải được tiến hành kịp thời, thậm chí đi trước một bước để góp phần ngăn chặn, giảm thiểu sai sót, vi phạm có thể xảy ra.

Với tinh thần đó, thanh tra ngành GTVT sẽ tiếp tục tập trung, tăng cường thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, những lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành GTVT trên tất cả các lĩnh vực mà ngành quản lý.

Chủ động thanh tra, kiểm tra sớm để ngăn ngừa vi phạm
Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải Lâm Văn Hoàng. 

PV: Thời gian tới, việc chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được Thanh tra Bộ GTVT tiến hành ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Lâm Văn Hoàng: Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, Thanh tra Bộ GTVT sẽ thanh tra, kiểm tra toàn diện, theo chuyên đề trên diện rộng; chú trọng thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đặc biệt là tăng cường kiểm tra các nội dung có tính chất phòng ngừa cao đối với các lĩnh vực, những dự án tiềm ẩn nguy cơ sai phạm. Ví dụ tổ chức kiểm tra ngay từ đầu đối với công tác chuẩn bị và triển khai thi công xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là với dự án lớn như cao tốc Bắc Nam...; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót để chấn chỉnh ngay, tránh vi phạm rồi mới thanh tra, xử lý vì như thế sẽ mất nhiều thứ, từ cán bộ đến thất thoát tài sản và lớn hơn là mất niềm tin của nhân dân.

Cùng với đó là tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành thanh tra, đặc biệt là công tác khảo sát, nắm bắt các vấn đề nổi cộm, các vụ việc vi phạm trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra. Khi dư luận xã hội, báo chí phản ánh có cơ sở thì chủ động tham mưu với lãnh đạo bộ đưa vào kế hoạch thanh tra. Tăng cường công tác giám sát, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; đẩy mạnh công tác xử lý sau thanh tra; định kỳ tổ chức tổng kết, đánh giá đối với từng chuyên đề, nội dung thanh tra.

Đặc biệt, Thanh tra Bộ GTVT duy trì “đường dây nóng” (qua điện thoại, email, tin nhắn) để tiếp nhận phản ánh về các vi phạm, tiêu cực trong lĩnh vực quản lý để phòng ngừa vi phạm và xem xét xử lý kịp thời. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường tập huấn, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ, đồng thời chú trọng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của thanh tra cấp dưới để giữ trong sạch đội ngũ, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra từ cơ sở.

Chủ động thanh tra, kiểm tra sớm để ngăn ngừa vi phạm
Thanh tra giao thông phối hợp kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển xe khách ngay tại bến xe để góp phần phòng ngừa tai nạn giao thông. 

PV: Đề nghị đồng chí cho biết những nội dung trọng tâm, trọng điểm mà thanh tra ngành GTVT xác định trong năm 2021?

Đồng chí Lâm Văn Hoàng: Theo Kế hoạch thanh tra năm 2021 của Bộ GTVT và các địa phương, thanh tra ngành GTVT sẽ tập trung vào một số nội dung như: Công tác quản lý đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa; công tác quản lý, sử dụng tài sản, kinh phí nhà nước cấp và các nguồn thu khác đối với đơn vị sự nghiệp công lập; công tác quản lý, sử dụng tài sản công; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng...

Về vận tải, sẽ tập trung thanh tra công tác đăng kiểm phương tiện xe cơ giới; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; kinh doanh vận tải; kiểm soát tải trọng phương tiện; việc chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt...

Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường sự chủ động trong công tác phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của cấp trên, nhất là giám sát tài sản, thu nhập và kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để hình thành điểm nóng...

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Năm 2020, bên cạnh duy trì hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý thông tin về bảo đảm trật tự ATGT qua đường dây nóng, góp phần quan trọng kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí so với năm 2019 (giảm 16,2% về số vụ; giảm 18,14% số người bị thương; giảm 11,33% số người thiệt mạng), thanh tra ngành GTVT còn tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải, xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng thanh tra giao thông trong nhân dân. Trước vấn nạn “xe dù, bến cóc” và ô tô chở quá tải trọng, Thanh tra Bộ GTVT đã chỉ đạo mở 3 đợt cao điểm kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 8.176 trường hợp với tổng số tiền 42,3 tỷ đồng...

HUY QUANG - THU THẢO (thực hiện)

Đoàn Khắc Trung

Nguồn: Báo QĐND

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)