Bộ GTVT vừa Ban hành Quyết định 2008/QĐ-BGTVT “Kế hoạch thanh tra năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải”.
Tổ chức Thanh tra tại Sở GTVT Đồng Nai
Theo đó, năm 2022 Thanh tra Bộ sẽ tập trung thanh tra 03 nhiệm vụ thanh tra hành chính bao gồm Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa tại Cục đường thủy nội địa Việt Nam; Thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản, kinh phí NSNN cấp và các nguồn thu khác; công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, người lao động; Thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại một số cơ quan đơn vị thuộc Bộ GTVT
Về nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ tập trung Thanh tra công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng; quản lý tài sản đường sắt; quản lý hoạt động vận tải; công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái tàu; công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt; Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và cung cấp dịch vụ nhà ga, kho hàng hóa tại Cảng hàng không, sân bay: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh.
Ngoài ra Thanh tra Bộ GTVT cũng sẽ thực hiện Kiểm tra công tác tổ chức, quản lý, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng; Kiểm tra công tác chuẩn bị và triển khai thi công xây dựng công trình đối với các dự án cao tốc Bắc Nam; Kiểm tra công tác quản lý hoạt động phương tiện thuỷ nội địa tuyến vận tải ven biển; Xác minh tài sản, thu nhập; Kiểm tra trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công vụ; Kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra.
Tại các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, Bộ GTVT cũng phê duyệt kế hoạch các nhiệm vụ chính thức, và kế hoạch dự phòng cho Thanh tra các đơn vị này.
Bộ GTVT yêu cầu căn cứ Kế hoạch thanh tra năm 2022, Thanh tra Bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện theo quy định pháp luật về thanh tra. Đồng thời, giao Chánh Thanh tra Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục: Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam quyết định tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các cuộc dự phòng trong Kế hoạch thanh tra năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải đảm bảo yêu cầu của công tác quản lý nhà nước và phù hợp với tình hình dịch Covid-19.
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và yêu cầu trong công tác quản lý, chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, trong đó lưu ý tuân thủ nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Bộ cũng giao Thanh tra Bộ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị trực thuộc; tham mưu, đề xuất xử lý các vướng mắc (nếu có) trong quá trình tổ chức thực hiện. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra; tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 24/11/2021.
Phong Vũ