Lực lượng liên ngành tỉnh Thái Bình vừa ban hành kế hoạch chuyên đề phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe ô tô vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng liên ngành tỉnh Thái Bình
yêu cầu cắt bỏ phần thành thùng xe đã cơi nới. Ảnh: Trọng Tài
Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thái Bình Phạm Anh Tuấn cho biết, lực lượng liên ngành triển khai thực hiện kế hoạch chuyên đề gồm 3 đơn vị: Thanh tra Sở GTVT, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) và Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh.
Mục đích của kế hoạch tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng xe ô tô. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng tuần tra, xử lý. Qua công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ kỷ cương, kỷ luật vận tải theo đúng quy định, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tại các kế hoạch chuyên đề này, Phòng CSGT sẽ là đơn vị chủ trì thống nhất lực lượng phối hợp và lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt.
Thời gian phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ được thực hiện trong giờ hành chính (trừ thứ 7 và chủ nhật). Nếu cần thiết phải làm ngoài giờ hành chính, các lực lượng trực tiếp tham gia sẽ báo cáo lãnh đạo 2 đơn vị để thực hiện.
Chuyên đề xử lý vi phạm đối với xe ô tô vận tải hành khách được thực hiện từ ngày 14/7/2022 đến hết ngày 19/7/2022.
Đối với xe ô tô vận tải hàng hóa thực hiện từ ngày 18/7/2022 đến hết ngày 31/7/2022.
Các lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất tại hiện trường ở tất cả các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng tại các đường ra, vào tỉnh; các bến xe khách; điểm kho, bãi bốc xếp hàng hóa.
Trọng tâm của công tác xử lý sẽ tập trung vào các lỗi vi phạm như: Người điều khiển xe ô tô vận tải hành khách không có phù hiệu (“xe dù”); xe chạy hợp đồng không đúng quy định ("xe trá hình"); xe chạy trái luồng tuyến, dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định…
Người điều khiển xe ô tô vận tải hàng hóa lưu thông trên đường không đúng quy định; điều khiển xe ô tô có kích thước thành thùng xe không đúng với thông số kỹ thuật được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; chở hàng vượt trọng tải cho phép….
Với lỗi vi phạm ô tô tải có kích thước thành thùng xe không đúng, cùng với việc bị xử phạt, lái xe, chủ xe sẽ buộc phải cắt bỏ phần cơi nới và phải tự chịu toàn bộ chi phí.
Ngoài ra, trong quá trình tuần tra, kiểm soát để xử lý các lỗi trọng điểm nêu trên, nếu phát hiện các vi phạm khác trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền, tùy theo tình hình thực tế tổ công tác sẽ quyết định xử lý.
Lực lượng liên ngành linh hoạt, thay đổi thời gian, địa điểm, mục tiêu, đảm bảo yếu tố bất ngờ,
từ đó nâng cao hiệu quả công tác xử lý. Ảnh: Trọng Tài
Trao đổi với phóng viên, Chánh Thanh tra Sở GTVT Thái Bình Phạm Anh Tuấn chia sẻ thêm, trước đó, từ ngày 6 - 8/7, lực lượng Thanh tra Sở cũng đã phối hợp với Công an TP Thái Bình thực hiện chuyên đề kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe ô tô vận tải hành khách trên địa bàn TP Thái Bình.
Phối hợp với Công an huyện Quỳnh Phụ (từ ngày 11 - 15/7) và Công an huyện Tiền Hải (từ ngày 11- 14/7) thực hiện chuyên đề kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe ô tô vận chuyển hàng hóa trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ, huyện Tiền Hải.
Qua thực tế triển khai, Chánh Thanh tra Sở GTVT Thái Bình đánh giá, các lực lượng chức năng đã kết hợp hiệu quả giữa công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết với việc tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.
Nhờ vậy, ý thức chấp hành của các lái xe, doanh nghiệp đã có sự chuyển biển tích cực. Nhiều chủ xe đã tự giác tháo dỡ, cắt bỏ phần thành thùng cơi nới và chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải hàng hóa.
Cùng với đó, lực lượng liên ngành đã kiên quyết xử lý những trường hợp cơi nới thành thùng, chở hàng quá tải và những trường hợp vì lợi nhuận cố tình né tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng…
Nói về kinh nghiệm để thực hiện có hiệu quả các kế hoạch chuyên đề, Ông Tuấn cho rằng, lãnh đạo các đơn vị cần có sự khảo sát địa bàn, tuyến đường, các điểm bốc xếp hàng hóa, đón trả khách trước khi triển khai.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện cần có sự linh hoạt, thay đổi thời gian, địa điểm, mục tiêu, đảm bảo yếu tố bất ngờ, từ đó nâng cao hiệu quả của công tác xử lý.
Đặc biệt, để lực lượng Thanh tra GTVT và CSGT hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa, cần được sự đồng tình, ủng hộ và chia sẻ của các tầng lớp nhân dân; sự quan tâm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc bổ sung biên chế, đầu tư phương tiện, trang thiết bị…. nhằm củng cố tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động; góp phần tăng cường quản lý Nhà nước về GTVT, đảm bảo an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội.