Đó là khẳng định của ông Lâm Văn Hoàng, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) với phóng viên Báo Thanh tra về việc mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các phương tiện giao thông trên địa bàn cả nước.
Ông Lâm Văn Hoàng, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải. Ảnh: TQ
Thanh tra Bộ GTVT vừa có văn bản chỉ đạo các sở GTVT, Thanh tra Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai thực hiện hai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các phương tiện giao thông vi phạm, đã thu được kết quả đáng khích lệ.
+ Ông đánh giá thế nào về kết quả đối với yêu cầu mà Thanh tra Bộ GTVT đã đề ra trong Văn bản số 446/TTr-PCN và Văn bản số 553/TTr-PCN?
- Ông Lâm Văn Hoàng: Thời gian qua, lực lượng thanh tra GTVT tại các địa phương đã tập trung lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để triển khai các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải (KDVT), tải trọng phương tiện đường bộ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thanh tra Bộ GTVT tại Văn bản số 446/TTr-PCN, Văn bản số 553/TTr-PCN, đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Qua kiểm tra, đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của đơn vị vận tải, lái xe trong trong hoạt động vận tải nói chung và trong việc lắp camera giám sát trên xe ô tô, kiểm soát tải trọng phương tiện nói riêng.
Tháng cao điểm đã xử lý 133 trường hợp vi phạm liên quan đến lắp camera trên xe ô tô KDVT.
+ Xin ông cho biết, vì sao các cơ quan chức năng nói chung và Thanh tra ngành GTVT nói riêng đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất trong việc vi phạm liên quan đến lắp camera trên xe ô tô KDVT, vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng, đặc biệt là sau các đợt cao điểm?
- Ông Lâm Văn Hoàng: Đối với việc lắp camera trên xe ô tô KDVT, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng, trong đó có đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến lắp camera trên xe ô tô KDVT từ ngày 20/5/2022 đến ngày 20/6/2022 của thanh tra GTVT các địa phương, các đơn vị KDVT đã hiểu rõ lợi ích trong việc lắp camera trên phương tiện KDVT, do đó các đơn vị cơ bản đã thực hiện lắp camera theo quy định.
Đối với kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ, hoạt động các phương tiện chở quá tải không những phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Do đó, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng. Thanh tra ngành GTVT luôn xác định việc kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên thực hiện.
Hiện nay, lực lượng Thanh tra ngành GTVT mỏng và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về thanh tra, nên khó tập trung lực lượng duy trì thường xuyên, liên tục công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ.
Ngoài ra, đối tượng vi phạm dùng nhiều hình thức để đối phó với lực lượng chức năng, như: Cử người theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng; nhiều lái xe không hợp tác, cản trở, thậm chí có trường hợp chống đối lực lượng chức năng (không xuất trình giấy tờ, không đưa phương tiện lên cân, khoá cửa bỏ đi...). Thực tế, không ít trường hợp, lực lượng thanh tra ngành GTVT mất nhiều thời gian, nhân lực để xử lý xong một trường hợp vi phạm về tải trọng.
Đây là một trong những khó khăn lớn của lực lượng thanh tra đường bộ trong kiểm tra, xử lý vi phạm hiện nay.
Đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ phát hiện
và xử phạt 4.558 trường hợp vi phạm.
+ Theo ông, các cơ quan chức năng nói chung và Thanh tra ngành GTVT nói riêng cần có những giải pháp nào để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi vi phạm nói trên?
- Ông Lâm Văn Hoàng: Để các đối tượng chấp hành tốt các quy định trong hoạt động vận tải, trong đó có quy định về lắp camera giám sát trên xe ô tô KDVT, kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, như:
Tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện pháp luật để góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể, như lái xe, chủ xe, đơn vị bốc xếp hàng hoá lên xe ô tô.
Tăng cường kiểm tra hoạt động phương tiện ngay tại các điểm dừng đỗ (bến xe, đầu mối bốc xếp hàng hoá...) để phát hiện, ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm, trong đó có vi phạm về lắp camera giám sát trên xe ô tô KDVT, tải trọng phương tiện đường bộ.
Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong kiểm tra, xác định vi phạm trong hoạt động vận tải.
Nghiên cứu để tăng chế tài xử phạt đối với các vi phạm, nhất là vi phạm về tải trọng, đặc biệt là đối với chủ xe và đơn vị bốc xếp hàng hoá.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đối với đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến lắp camera trên xe ô tô KDVT (từ ngày 20/5/2022 đến ngày 20/6/2022) theo Văn bản số 446/TTr-PCN: Thanh tra các sở GTVT, Thanh tra Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai đã kiểm tra 19.176 phương tiện KDVT, phát hiện và xử phạt 2.053 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền xử phạt trên 8,962 tỷ đồng và tước quyền sử dụng 286 giấy phép lái xe. Trong đó, có 133 trường hợp vi phạm liên quan đến lắp camera trên xe ô tô KDVT, với số tiền xử phạt 706,4 triệu đồng; 1.920 trường hợp vi phạm khác, với số tiền xử phạt trên 8,255 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ (từ ngày 15/6/2022 đến ngày 15/7/2022) theo Văn bản số 553/TTr-PCN: Thanh tra các sở GTVT, Thanh tra Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai đã kiểm tra 17.215 lượt phương tiện, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 4.558 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền xử phạt trên 30,399 tỷ đồng, tước quyền sử dụng 769 giấy phép lái xe. Trong đó, 1.195 trường hợp vi phạm về tải trọng, với số tiền xử phạt trên 20,062 tỷ đồng; 255 trường hợp vi phạm về kích thước thành thùng xe, với số tiền xử phạt gần 2,841 tỷ đồng; 3.108 trường hợp vi phạm khác với số tiền xử phạt trên 7,496 tỷ đồng.