Ngày 31/3, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội thảo “Tổ chức và hoạt động thanh tra ngành, lĩnh vực theo yêu cầu của Luật Thanh tra 2022”.
Thanh tra Bộ GTVT đã tham dự và đóng ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT Trần Văn Trường phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Tại Hội thảo, Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT Trần Văn Trường đã đề xuất về tổ chức thanh tra cục và giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong quá trình xây dựng Dự thảo chưa được quy định như việc thành lập tổ chức thanh tra cục tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Khu Quản lý đường bộ, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không và Cảng vụ Đường thuỷ nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Theo ông Trần Văn Trường, đây là vấn đề có sự thay đổi lớn về mô hình tổ chức thanh tra tại các Cục so với hiện nay, tác động trực tiếp đến tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước của các Cục thuộc Bộ GTVT.
Tại các văn bản tham gia ý kiến đối với 02 dự thảo Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Bộ GTVT tiếp tục có các ý kiến góp ý, đề xuất thành lập thanh tra cục tại 04 Cục quản lý chuyên ngành gồm Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam và giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cho Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ Đường thủy nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Bộ GTVT đã yêu cầu cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan, các Sở GTVT căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu kỹ các quy định của Dự thảo để tham gia góp ý. Việc góp ý phải cụ thể, chi tiết, đồng thời nêu rõ lý do, căn cứ góp ý, đặc biệt là căn cứ pháp lý, các yếu tố tác động và thực tiễn hoạt động thanh tra chuyên ngành sau hơn 10 năm thực hiện Luật Thanh tra năm 2010.
Cùng với đó, Bộ GTVT cũng đóng góp nhiều ý kiến khác liên quan đến cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở GTVT, hoạt động thanh tra chuyên ngành, thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành như Thanh tra Sở có con dấu và tài khoản riêng, được tổ chức thành các đội nghiệp vụ; bổ sung quy định đối với Thanh tra Sở được sáp nhập, hợp nhất; tiếp tục quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Sở GTVT như đã được quy định tại Điều 9 Nghị định 57/2013/NĐ-CP; quy định cụ thể về thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện kiểm tra; giao Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định việc kiểm tra phù hợp với điều kiện, thực tiễn của từng ngành, lĩnh vực để công tác kiểm tra bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước theo quy định tại Điều 6 Luật Thanh tra 2022; quy định các tiêu chuẩn đặc thù đối với thanh tra viên trong lĩnh vực hàng hải, hàng không phù hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT Trần Văn Trường đề nghị Thanh tra Chính phủ quan tâm đối với các đề xuất, góp ý của Bộ để báo cáo Chính phủ xem xét, chấp thuận nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao.
Lê Văn Kỳ