Mặc dù công tác kiểm soát tải trọng phương tiện được lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình tiến hành thường xuyên, liên tục, nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm, song vẫn tồn tại nhiều vướng mắc làm cho hiệu quả chưa đạt như mong muốn.
Thanh tra giao thông tỉnh Hòa Bình kiểm tra tải trọng xe trên QL6
Quyết liệt xử lý xe vi phạm tải trọng
Ông Ngô Văn Điềm, Trạm trưởng Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Hòa Bình cho biết, từ năm 2022 đến nay, tình trạng xe quá khổ, quá tải tham gia giao thông trên địa bàn đã được kiểm soát, cơ bản hiện tượng xe vi phạm đã giảm sâu, các phương tiện đã cắt bỏ phần thành, thùng cơi nới trái quy định và không có hiện tượng tái vi phạm.
Từ đầu tháng 2/2023, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Sở GTVT, trạm kiểm tra tải trọng tại Km450+608(P) đường Hồ Chí Minh khu vực Chợ Bến, xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn đã được di chuyển về Km76+700(T) QL12B thuộc xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn. Trạm có nhiệm vụ kiểm tra đối với ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ về việc chấp hành quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông. Đồng thời, trạm có nhiệm vụ thu thập, cập nhật, tổng hợp, lưu trữ các số liệu liên quan đến tải trọng, khổ giới hạn của xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông qua trạm và công tác xử lý vi phạm, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định hoặc khi được yêu cầu.
Từ đầu năm đến nay, trạm đã kiểm tra 278 xe, trong đó có 8 xe vi phạm, xử phạt trên 136 triệu đồng, tước 3 GPLX..., nhờ đó, tình trạng xe quá tải lưu thông qua trạm giảm một cách rõ rệt.
Để có được kết quả trên, Ban ATGT, Sở GTVT tỉnh Hòa Bình đã tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh bến bãi và vận chuyển hàng hóa bằng ô tô ký cam kết không xếp hàng và chở hàng quá tải. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cũng rất quyết liệt khi thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm về tải trọng và kích thước thành thùng trong suốt thời gian vừa qua.
Thanh tra giao thông tỉnh Hòa Bình kiểm tra tải trọng xe
Nhiều khó khăn hiện hữu
Cũng theo ông Điềm, từ khi kết thúc phối hợp Kế hoạch số 12593/KHPH-BGTVT-BCA, công tác kiểm tra xử lý gặp nhiều khó khăn như: lái xe chây ỳ, chống đối không xuất trình giấy tờ, khóa cửa xe bỏ đi; lái xe không chấp hành vào cân kiểm tra tải trọng xe hoặc không chấp nhận kết quả cân, yêu cầu cân đi cân lại gây mất trật tự trong khu vực trạm, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, nhiều xe không chấp hành hiệu lệnh dừng phương tiện của lực lượng Thanh tra giao thông...
Ngoài ra, việc phối hợp giữa các lực lượng như Thanh tra giao thông và nhân viên trạm cân còn mỏng do định ngạch được tuyển dụng thấp, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Đây chính là nguyên nhân dù tỉ lệ phương tiện vi phạm còn ít nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng xe chở quá tải trọng cầu đường trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cân điện tử có đặc điểm độ chính xác không ổn định, tính kết nối kém do đường truyền nhiều thời điểm sóng không tốt. Khi trời mưa lớn hoặc nắng to thì cân hoạt động không ổn định, thậm chí là hỏng hóc. Khi đó, cân điện tử phải gửi về Hà Nội để sửa chữa, mất rất nhiều thời gian chờ đợi.
Nguyên nhân tiếp theo là vị trí đặt trạm không được thuận lợi do có nhiều đường nhánh đi ra, vì vậy lái xe dễ dàng né trạm. Một số ít trường hợp chở hàng quá tải lợi dụng trời mưa để vượt trạm, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng do tổ công tác kiểm tra tải trọng xe phải tạm dừng cân để bảo quản trang thiết bị.
Trạm cân di chuyển về Km76+700(T) QL12B
Về điều kiện sinh hoạt của lực lượng phối hợp tại trạm còn gặp nhiều khó khăn như: môi trường làm việc thường xuyên phải ở ngoài trời, trang thiết bị và con người chịu tác động của thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng đến sức khỏe. Lực lượng tham gia làm nhiệm vụ phải đi thuê nhà dân cách xa nơi làm việc, gây khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ hằng ngày. Ngoài ra, chế độ bồi dưỡng cho các lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe theo quy định còn rất thấp, vẫn mang tính bình quân, chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hòa Bình cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn, trong thời gian tới, Sở GTVT tỉnh Hòa Bình kiến nghị Bộ GTVT cấp kinh phí sửa chữa cho hệ thống cân do đã sử dụng nhiều năm và sửa chữa nhiều lần, đồng thời đàm phán với nhà cung cấp là Công ty Hanel điều chỉnh giá cả cho phù hợp với điều kiện của địa phương.
Được biết, Bộ GTVT đang cho sửa đổi, bổ sung Thông tư số 34/2021/TT-BGTVT quy định về quản lý, hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.
"Chúng tôi kiến nghị bổ sung khoản 3, Điều 7 nội dung quy định "Lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính làm việc tại trạm trong quá trình kiểm soát tải trọng mà phát hiện vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định của pháp luật"; "Bổ sung quy định trong điều kiện thời tiết mưa hoặc nhiệt độ ngoài trời lên tới 450C thì trạm trưởng có trách nhiệm báo cáo ngay cấp trên theo quy định để tạm ngừng hoạt động"; "Bổ sung quy định chế độ, chính sách cho các lực lượng làm việc tại trạm kiểm tra tải trọng". Đồng thời, tại Mục 3, Điều 11 quy định: "Chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu trên phiếu cân kiểm tra tải trọng xe so với kết quả thu được từ trạm kiểm tra tải trọng xe khi cung cấp cho cơ quan quản lý đường bộ, lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính", đề nghị điều chỉnh thành: "Chịu trách nhiệm về quy trình thao tác vận hành sử dụng dữ liệu trên phiếu cân kiểm tra tải trọng xe so với kết quả thu được từ trạm kiểm tra tải trọng xe khi cung cấp cho cơ quan quản lý đường bộ, lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính", ông Sơn cho biết.
P.V