Bình Dương: Tăng cường bảo đảm an toàn đối với hoạt động kinh doanh vận tải trong tình hình mới

Thứ ba, 15/10/2024 08:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Kế hoạch số 5558/KH-UBND về việc thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới, với mục tiêu hướng đến thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông (UTGT) trên địa bàn tỉnh.

Thanh tra giao thông kiểm tra một phương tiện vận tải hành khách

trước giờ xuất bến tại Bến xe khách Bình Dương

Theo đó, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg phải đồng bộ, bảo đảm theo đúng mục đích, yêu cầu của Chính phủ và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Bên cạnh đó, phải xác định bảo đảm TTATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…

Nằm trong các nội dung chính của kế hoạch, UBND tỉnh Bình Dương đã phân công cho ngành giao thông - vận tải nhiều nhiệm vụ quan trọng để tiến hành thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, phải kịp thời triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về chấp hành TTATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải đến các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các đơn vị này tăng cường tuyên truyền đến nhân viên, lái xe chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm TTATGT, cam kết và thực hiện các quy định của pháp luật về TTATGT, cam kết không sử dụng lái xe dương tính với ma túy và các chất cấm khác theo quy định của pháp luật, sử dụng lái xe đủ điều kiện, sức khỏe điều khiển phương tiện. Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải chấp hành nghiêm các quy định về tải trọng phương tiện, trọng tải của cầu, đường. Riêng đối với đơn vị vận tải hành khách phải chấp hành nghiêm về số người được phép chở theo thiết kế của xe, chạy đúng lịch trình, hành trình tuyến đăng ký.

Cùng với đó, ngành giao thông - vận tải cũng tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, bảo đảm việc cạnh tranh lành mạnh theo quy định của pháp luật, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của hành khách; đồng thời tiếp tục siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Quản lý chặt chẽ, kiên quyết thu hồi giấy phép, phù hiệu vận tải đối với các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật về giao thông.

Ông Bùi Mạnh Cường, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Bình Dương, cho biết thực hiện chỉ đạo từ cấp sở, lực lượng thanh tra giao thông đang tăng cường kiểm soát đối với hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa. Trong đó, đơn vị tập trung vào việc kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm ngay tại các điểm xuất phát, như: Bến xe, mỏ vật liệu, khu, cụm công nghiệp… Chúng tôi cũng tập trung xử lý nghiêm trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi để xuất bến đối với xe quá niên hạn sử dụng, hết hạn kiểm định, chở quá số người quy định, quá tải trọng xe… Thanh tra giao thông sẽ quản lý chặt chẽ và kiên quyết thu hồi giấy phép, phù hiệu vận tải đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật…

Song song với các nhiệm vụ nêu trên, ngành giao thông - vận tải cũng sẽ tăng cường thực hiện việc kiểm tra, rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông trên các tuyến trọng điểm, các tuyến quốc lộ… Đồng thời, ngành giao thông sẽ tiến hành xây dựng “Hướng dẫn về tổ chức giao thông trên đường bộ”, trong đó làm rõ hướng dẫn thiết kế, sử dụng, phối hợp các báo hiệu đường bộ trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ đối với đường cao tốc, cao tốc phân kỳ (sau khi dự án đường cao tốc đưa vào khai thác), quốc lộ và các tuyến đường trọng điểm của đường địa phương. Ngoài ra, ngành giao thông tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh thực hiện phân cấp quản lý đường bộ, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ và tổ chức giao thông cho các địa phương để chủ động trong công tác tổ chức, quản lý giao thông và duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, xử lý “điểm đen” trên địa bàn…

 

Theo Báo Bình Dương

Báo Bình Dương

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)