Vận tải khách bằng ô tô là loại hình vận tải phổ biến nhất ở Đắk Lắk, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng các doanh nghiệp, đơn vị vận tải, chủ yếu tuyến cố định bỏ bến, chạy dù gây mất an toàn giao thông (ATGT), tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh và tình trạng lộn xộn trong hoạt động vận tải.
Tranh giành, lấn tuyến
Tình trạng các xe dù dừng đón, trả khách diễn ra phổ biến, nhất là ở các trạm xe buýt trên địa bàn tỉnh. Theo tìm hiểu, các xe này chủ yếu là xe loại 16 chỗ ngồi hoặc các xe gia đình không đăng ký kinh doanh vận tải nhưng vẫn thực hiện hoạt động chở hành khách. Trong đó, phải kể hàng loạt xe đã đăng ký kinh doanh theo tuyến cố định, có điểm đón và trả khách theo quy định. Song thay vì các xe vào bến đón, trả khách thì các tài xế đều cho xe chạy theo kiểu “rùa bò” rồi tạt ngang dọc tại các cây xăng, điểm đón xe buýt. Đơn cử như: Trên tuyến xe buýt Buôn Ma Thuột – Buôn Trấp có các xe BKS: 47B – 014.96 của nhà xe Quyết Thắng, 47B – 015.51 và 47B – 003.79 của nhà xe Anh Tuấn, 47B – 010.41 của nhà xe Anh Khoa. Tuyến buýt Buôn Ma Thuột – Lắk có các xe lấn tuyến như: 47B – 012.88, 47B - 013.58 của nhà xe Thanh Thảo, 47B – 015.62, 47B – 006.95 của nhà xe Sơn Vân. Tuyến Krông Bông – Buôn Ma Thuột có xe BKS 47B – 012.29 và 47B – 003.65 của nhà xe Thảo Huy. Bên cạnh đó, các điểm dừng đỗ xe buýt trên tuyến từ Buôn Ma Thuột đến Ea Súp, tình trạng xe tuyến cố định loại 16 chỗ ngồi và xe 7 chỗ cũng ngang nhiên hoạt động lấn tuyến, tranh giành khách. Đơn cử như xe BKS 47B – 014.06; 47B – 009.65; 47A – 017.63; 47T – 8678…, theo tìm hiểu, mỗi ngày các xe này chạy khoảng 4 lượt cả đi lẫn về theo lộ trình của xe buýt. Chưa kể, trên tuyến Buôn Ma Thuột – Ea Kar, hàng chục phương tiện của nhà xe Việt Thanh tung hoành trong nhiều năm liền. Cụ thể, theo thống kê của ngành chức năng, trong tổng số 22 phương tiện loại 24, 16 và 9 chỗ ngồi của nhà xe này thì có đến 6 phương tiện loại 16 chỗ ngồi hoạt động nhưng không đăng ký kinh doanh gồm các xe: 47B – 006.87; 47T – 0686; 47T – 0687; 47T – 3086; 47B – 001.79; 29B – 007.07 và 4 xe loại 9 chỗ ngồi đã ngừng đăng ký kinh doanh từ tháng 2-2016.
Xe khách “núp bóng” ở cây xăng để đón, trả khách sai quy định.
Điều đáng nói, tình trạng này kéo dài nhiều năm, nhưng vấn nạn xe dù, bến cóc vẫn không được giải quyết dứt điểm. Điều này tác động rất lớn đến sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp chân chính và doanh nghiệp không chân chính.
Doanh nghiệp đồng loạt kêu cứu
Trước tình trạng các xe tuyến cố định, xe 7 chỗ ngồi hoạt động trá hình, đón, trả khách tại các điểm dừng xe buýt, hàng loạt doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh đã có đơn kiến nghị gửi Sở GTVT, UBND, công an các địa phương để phản ánh. Đại diện HTX Vận tải hàng hóa và hành khách Cư Mil (huyện Ea Súp) bức xúc, từ năm 2006 đến nay, được UBND tỉnh Đắk Lắk và Sở GTVT giao cho HTX hoạt động xe buýt trên tuyến Buôn Ma Thuột – Bản Đôn – Ea Súp, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ, ngành và địa phương về vận tải. Tuy nhiên, trước tình trạng các xe đăng ký tuyến cố định, xe gia đình đưa ra hoạt động chở khách diễn ra thường xuyên liên tục không những gây nên tình trạng lộn xộn ở các điểm dừng xe buýt của đơn vị mà còn dẫn đến tình trạng tài xế xe buýt và xe dù tranh cãi nhau tại các điểm đón, trả khách, gây bức xúc cho người dân. Còn Liên minh các doanh nghiệp vận tải bằng xe buýt cũng phản ánh, tình trạng xe chạy tuyến hợp đồng, cố định phóng nhanh, vượt ẩu, luồn lách trước xe buýt khi lưu thông trên đường, thậm chí tranh giành khách ngay tại các điểm dừng xe buýt, gây hoang mang cho hành khách, người đi đường và đội ngũ lái xe. Thậm chí một doanh nghiệp vận tải tại huyện Krông Pắc phải gửi đơn kêu cứu tới Chính phủ để giải quyết tình trạng này.
Từ phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp và thông tin từ các cơ quan thông tấn báo chí, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều công văn đề nghị 2 đơn vị chính là Sở GTVT và CSGT toàn tỉnh ra quân quyết liệt đối với vấn đề này. Tuy nhiên, công tác xử lý gặp nhiều khó khăn, bởi các chủ xe, tài xế khi nắm rõ lịch trình kiểm tra của lực lượng chức năng đều đối phó bằng cách cho xe nghỉ ở nhà, hoặc chạy vào thời điểm giao ca. Thực tế cho thấy, các xe bỏ bến chạy dù chủ yếu là xe chạy tuyến cố định và xe hợp đồng. Nên chăng, Đắk Lắk cần xây dựng lộ trình hạn chế dần việc cấp phép hoạt động của các xe tuyến cố định, chỉ ưu tiên các tuyến cự ly đường dài; các tuyến đường ngắn sẽ đẩy mạnh mô hình xã hội hóa vận tải công cộng thông qua dịch vụ xe buýt như kết luận của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tại Hội nghị góp ý dự thảo “Quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định bằng ôtô” tại Đà Nẵng vào tháng 6 năm 2015.