Là một trong những địa bàn có sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, hệ thống đường thủy ở huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương, vận chuyển hàng hóa. Mặc dù ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, tuy nhiên hoạt động giao thông đường thủy, nhất là đối với các bến khách ngang sông, bến đò dọc và các phương tiện thủy nội địa vẫn còn tiềm ẩn mất ATGT.
CSGT đường thủy tỉnh kiểm tra hoạt động của một bến khách ngang sông trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: K.K
Trong đợt kiểm tra vào giữa tháng 6/2016, Vĩnh Lợi có 19 bến khách ngang sông hoạt động dọc theo các tuyến kênh Bạc Liêu - Vàm Lẽo, Bạc Liêu - Cà Mau, Cầu Sập - Ninh Quới, tuyến kênh Xáng - Hòa Bình. Qua kiểm tra, đã phát hiện nhiều sai phạm như: một số bến khách hoạt động không giấy phép, không chứng chỉ chuyên môn, không trang bị dụng cụ cứu sinh, không cắm bảng nội quy và niêm yết giá vé tại bến, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hết hạn... Đặc biệt, có một bến khách ngang sông trên địa bàn xã Vĩnh Hưng đưa rước khách bằng cách kéo dây ngang sông, bất chấp việc mất ATGT. Còn các bến đò dọc thì phần lớn tập trung tại khu vực đường vào chùa Hưng Thiện với trên 60% phương tiện không đăng ký đăng kiểm, người lái phương tiện không có bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định, hầu hết rất ít phương tiện cứu sinh trên tàu. Cả hai bến đò dọc đều hoạt động không giấy phép…
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện đã lập 51 biên bản và có hình thức xử phạt đối với các bến khách ngang sông và phương tiện thủy hoạt động tại hai bến đò dọc vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa. Theo đó, với các lỗi nhỏ sẽ được nhắc nhở và quy định thời gian khắc phục các lỗi vi phạm, bàn giao cho Công an xã theo dõi, giám sát, nếu vẫn không thay đổi thì sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính. Riêng đối với trường hợp hoạt động không giấy phép, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản đình chỉ hoạt động đưa rước khách, yêu cầu chủ phương tiện ngưng hoạt động đến khi thực hiện xong các thủ tục và đủ điều kiện được cơ quan chức năng cấp phép.
Do các bến bãi này phần thì tồn tại từ rất lâu, nhiều phương tiện không đảm bảo an toàn giao thông, phần lại do các phương tiện thủy vận chuyển hành khách tự phát tăng cao, tập trung vào các gia đình khó khăn, không đủ điều kiện chuyển đổi ngành nghề và hệ thống cầu, đường cũng chưa đáp ứng được nhu cầu qua sông và vận chuyển hành khách bằng đường bộ. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương còn xem nhẹ, nhiều trường hợp chưa xử lý hết chức năng, nhiệm vụ của mình… Từ đó dẫn đến trường hợp, ngay cả khi có biên bản đình chỉ hoạt động nhưng chủ bến không chấp hành mà vẫn lén lút hoạt động.
Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị quản lý nhà nước, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý bến thủy nội địa nói chung; đồng thời tạo điều kiện cho các chủ bến, chủ phương tiện thuận lợi trong việc xin phép, đăng kiểm, học chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy..., huyện Vĩnh Lợi kiến nghị Sở GTVT nên tạo điều kiện mở lớp học, thi, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy nội địa; đề nghị Chi cục Đăng kiểm nên phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức đăng ký, đăng kiểm các phương tiện thủy tại địa phương. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, vận động nhân dân có phương tiện đang hoạt động tham gia giao thông đường thủy nội địa phải đăng ký, đăng kiểm, chấp hành Luật Giao thông là việc làm cần thiết và thường xuyên. Đồng thời kiên quyết xử lý các bến đò, bến khách ngang sông hoạt động không bảo đảm an toàn, không có giấy phép; người điều khiển phương tiện thủy không có chứng chỉ chuyên môn, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm theo quy định… Có siết chặt công tác quản lý các bến đò thì mới mong giảm thiểu được tai nạn giao thông, đảm bảo ATGT đường thủy.