Thời gian qua lực lượng chức năng đã tập trung xử lý vấn nạn xe quá tải hoạt động đang “băm” nát những tuyến đường, nhất là những tuyến đường mới được đầu tư nâng cấp, cải tạo và làm mới trên địa bàn tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, để đặt trạm cân phải gia cố nền đường đủ cứng và mặt bằng rộng rãi nên vị trí các trạm cân thường phải đặt ổn định trong một thời gian. Vì vậy, các tài xế đã biết vị trí trạm cân để tìm đường khác né trạm cân, hoặc san tải trước khi qua trạm nhằm đối phó với lực lượng chức năng.
Thêm vào đó, trên các tuyến đường chỉ đặt được 1 trạm kiểm soát được một chiều xe nên bất cập trong kiểm soát chiều ngược lại. Đến đầu năm 2016, hiện tượng xe quá khổ, quá tải vẫn lén lút đi vào các tuyến nội thành thành phố Nam Định lúc ban đêm để trốn né trạm cân lưu động tại Quốc lộ 10. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Nam Định luôn tồn tại tình trạng xe quá khổ, quá tải chở nguyên vật liệu xây dựng vi phạm hoạt động trên các tuyến đường Trường Chinh, Phù Nghĩa, Điện Biên… Ở địa bàn nông thôn, các xe quá tải chở tới hàng trăm tấn xi măng, hàng chục khối gỗ thường xuyên tái diễn vi phạm vào ban đêm. Nhằm tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ủy ban ATGT quốc gia về xử lý xe quá tải, với mục tiêu sớm chấm dứt tình trạng vi phạm xe quá khổ, quá tải, bảo vệ an toàn kết cấu đường bộ, bảo đảm trật tự ATGT, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương phải tăng cường phối hợp, bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ.
Lực lượng liên ngành Công an, GTVT kiểm tra, xử lý vi phạm xe quá tải tại trạm cân lưu động trên Quốc lộ 10, đoạn thuộc địa phận Thành phố Nam Định.
Từ đầu năm đến nay ngành chức năng và các địa phương đã tập trung theo dõi, dự báo, nắm được quy luật hoạt động của toàn bộ đối tượng, lượng xe quá khổ, quá tải trên địa bàn để đưa ra phương án xử lý triệt để nhất. Các lực lượng Công an, Thanh tra giao thông đẩy mạnh hoạt động trinh sát tình báo phát hiện vi phạm xe quá khổ, quá tải. Đặc biệt quan tâm nắm bắt các trường hợp đơn vị, phương tiện vận tải có dấu hiệu được “bảo kê”, được các cán bộ trong ngành chức năng xử lý nhẹ, bỏ qua, tiếp tay cho vi phạm. Đồng thời tăng cường giám sát chặt chẽ các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thi hành nhiệm vụ nếu phát hiện các trường hợp giảm sút tinh thần phòng chống sai phạm, bao che, tiếp tay cho đối tượng vi phạm sẽ kiên quyết xử lý theo quy định. Đồng chí Phạm Văn Đạt, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Nam Định cho biết: "Bên cạnh việc siết chặt xử lý vi phạm tại trạm cân, từ cuối tháng 2, Thanh tra Sở GTVT Nam Định đã xây dựng phương án phân công nhiệm vụ tăng cường kiểm tra xe quá khổ, quá tải hoạt động trên đường bộ để hạn chế tối đa các xe né trạm cân. Thành lập các đội Thanh tra giao thông lưu động, mỗi đội 5-6 người, luân phiên hằng tuần trang bị cân xách tay, mật phục kiểm tra, xử lý các xe quá tải né tránh trạm cân chạy trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, các xe chở vật liệu xây dựng xuống các huyện phía nam tỉnh... để phát hiện, xử lý nghiêm các xe vi phạm. Qua đó đã phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định hàng loạt xe vi phạm chở quá tải ở mức trên 50-100%. Đối với mỗi trường hợp vi phạm, ngoài việc lập biên bản xử lý tài xế, Thanh tra Sở còn lập biên bản xử phạt chủ xe về hành vi để cho lái xe điều khiển phương tiện chở hàng quá tải. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Thanh tra Sở đã sử dụng cân xách tay kiểm tra 1.262 phương tiện, xử lý 281 phương tiện quá tải và 14 trường hợp vi phạm khác, phạt lái xe 765,2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 120 trường hợp, phạt chủ xe 661 triệu đồng".
Theo đồng chí Trịnh Duy Dương, Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh): Ngoài các Đội Thanh tra giao thông dùng cân xách tay xử lý vi phạm độc lập, các lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, Thành phố Nam Định cũng sử dụng cân xách tay kiểm tra lưu động và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua kết quả sử dụng cân xách tay kiểm tra lưu động của ngành Công an cho thấy địa phận các xe vi phạm chủ yếu tại các tuyến giao thông nông thôn đi hoặc từ Hà Nội về địa bàn nông thôn. Tỷ lệ xe vi phạm khá cao và các xe cố tình vi phạm có chiều hướng phức tạp hơn. Nhiều trường hợp vi phạm đã được mật báo ngay từ điểm xuất phát là Hà Nội, dọc đường đã có thể dừng đỗ, bốc dỡ một phần hàng hóa nhưng về đến Nam Định vẫn quá tải 104/50 tấn. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, hai ngành Công an, GTVT đã tăng cường phối hợp kiểm soát tải trọng xe tại các bến bãi, đầu mối bốc xếp hàng hóa tại các bến thủy nội địa phân bố rải rác dọc các con sông lớn trên địa bàn tỉnh (do tỉnh không có nhà máy, các mỏ vật liệu lớn tập trung). Qua các đợt phối hợp kiểm tra liên ngành, tình hình các phương tiện xe ô tô chở hàng quá tải tại đầu nguồn hàng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý vi phạm tại khu vực bến bãi còn hạn chế. Các chủ bến bãi hầu hết là tư nhân, chưa thực sự có trách nhiệm trong quản lý, kiểm soát hoạt động bốc xếp hàng hóa, không có sổ sách theo dõi việc bốc xếp hàng hóa và tìm mọi cách né tránh, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi kiểm tra.
Thời gian tới, hai ngành GTVT và Công an tỉnh Nam Định sẽ phối hợp liên ngành và địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động 100% các doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải và chủ các bến cảng, mỏ khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, cam kết thực hiện việc xếp hàng, chở hàng đúng tải trọng, không tự ý cơi nới, thay đổi kích thước thành, thùng xe và tự giác cắt phần thành, thùng xe vi phạm. Kiến nghị chuyển đổi vị trí đặt trạm cân lưu động ở địa điểm thích hợp đáp ứng tối ưu hoạt động chặn chốt, kiểm soát, xử lý vi phạm của các phương tiện chở quá khổ, quá tải. Đồng thời tập trung nâng cao hiệu quả phối hợp trong phát hiện, xử lý vi phạm giữa ngành chức năng và các địa phương. Quan tâm áp dụng cơ chế khen thưởng, khuyến khích nhân dân, chính quyền thôn, xóm tham gia hiệu quả công tác phòng chống, phát hiện, tố giác vi phạm để huy động sức mạnh của toàn thể nhân dân, thiết lập thành hệ thống phòng chống vi phạm phương tiện vận tải quá khổ, quá tải vững chắc./.