Trải dài gần 120 km của 3 tuyến sông chính chảy qua địa phận tỉnh (sông Đuống, sông Thái Bình và sông Cầu) đang có hơn 50 bến đò ngang sông hoạt động, vì thế việc bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt trong mùa mưa bão luôn là vấn đề cấp bách, được các cấp, ngành chức năng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo.
Để hạn chế thấp nhất hậu quả khi tham gia giao thông đường thủy nội địa trong mùa mưa bão, từ cuối tháng 5, Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, gồm: Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Cảng vụ Bắc Ninh, Công ty Cổ phần Quản lý bảo trì Đường thủy nội địa số 4 và Phòng Kinh tế, hạ tầng các huyện, thị xã và thành phố thành lập Đoàn kiểm tra ATGT đường thủy nội địa và hoạt động vận tải khách ngang sông, trực tiếp tiến hành kiểm tra điều kiện hoạt động của 43 bến ngang sông trên các địa bàn, gồm: Gia Bình (7 bến), Lương Tài (4 bến), Thuận Thành (3 bến), Quế Võ (14 bến), thành phố Bắc Ninh (4 bến), Tiên Du (1 bến), Yên Phong (10 bến).
Trong khoảng thời gian hơn 1 tháng kiểm tra, đoàn nhắc nhở 33 bến, yêu cầu các chủ bến, chủ phương tiện thủy, thuyền trưởng nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, tiếp tục duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn theo quy định. Bên cạnh việc kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở, đoàn đã đình chỉ hoạt động 10 bến của các địa phương: Quế Võ (5 bến), thành phố Bắc Ninh (1 bến), Yên Phong (2 bến), Thuận Thành (2 bến) với các lỗi chủ yếu là: Phương tiện hết hạn kiểm định, không có giấy phép mở bến hoặc giấy phép mở bến đã hết hạn. Lập 8 biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt 6 trường hợp, nộp vào Kho bạc Nhà nước 6 triệu đồng. Ngoài ra, đoàn kiểm tra đối với 37 cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, xử phạt vi phạm hành chính 29 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 74 triệu đồng. Các hành vi xử phạt chủ yếu là: Đưa bến thủy nội địa vào hoạt động mà không có giấy phép hoạt động của cơ quan có thẩm quyền.
Lực lượng CSGT đường thủy, kiểm tra chủ phương tiện tại bến đò Phù Lãng (Quế Võ). Ảnh: Hoài Lan
Qua kiểm tra cho thấy tình hình trật tự ATGT đường thuỷ trên địa bàn Bắc Ninh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Trong đó “ điểm nóng” là trật tự an toàn tại các bến đò chở khách ngang sông. Tại đây vẫn còn một số phương tiện không đảm bảo an toàn, không đăng ký, đăng kiểm, người lái không được đào tạo cấp chứng chỉ, phương tiện nhỏ cũ, nát, thiếu các thiết bị an toàn cứu sinh, cứu đắm, đèn tín hiệu; cơ sở hạ tầng bến bãi, biển báo đường và cầu lên xuống không bảo đảm, tình trạng chở quá tải vào giờ cao điểm vẫn xảy ra. Như bến đò Đại Lai- Thi Hôm, hàng ngày đều có hàng chục chuyến đò chở khách sang sông nhưng hầu như không có bất kỳ một hành khách nào mặc áo phao. Khi hỏi về vấn đề này, ông Đào Văn Học, chủ đò cho hay: “Đò sang sông chỉ mất 3 đến 4 phút nên có đưa cho khách thì cũng chẳng có ai mặc…”.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức chủ quan, hiểu biết pháp luật của nhiều người dân và chủ đò còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước còn bị xem nhẹ, nhất là quản lý của chính quyền từ cấp huyện, xã, hầu hết khoán trắng cho các chủ bến. Đặc biệt, công tác kiểm tra xử lý vi phạm không được thường xuyên hoặc xử lý nhưng thiếu sự phối hợp nên không có hiệu lực, cụ thể đã có trường hợp bị đình chỉ nhưng không chấp hành, vẫn ngang nhiên hoạt động.
Thời gian tới cùng với việc tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy, Ban ATGT tỉnh sẽ tiếp tục phát động và tích cực tuyên truyền về các cuộc vận động xây dựng bến đò văn hóa như: “Bến đò văn hóa- an toàn”, “Đoạn sông tự quản an toàn”, “Bến đò kiểu mẫu”, “ Người đi đò mặc áo phao”… Đặc biệt đẩy mạnh Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” nhằm từng bước xây dựng đội ngũ những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT đường thủy có trách nhiệm trong công tác, đồng thời hình thành thói quen ứng xử văn hóa, chấp hành pháp luật đối với tất cả chủ tàu, thuyền, người dân sinh sống ven sông, trên sông.