Mặc dù thời gian qua ngành chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để bởi tình trạng tái lấn chiếm vẫn xảy ra tại nhiều địa phương...
Nhiều vi phạm
Dọc các tuyến Quốc lộ 3, Quốc lộ 3B và các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn, dễ dàng bắt gặp những vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Trên nhiều đoạn tuyến, đường lại biến thành “sân phơi” thóc lúa, rơm rạ, nông sản, là bãi tập kết nguyên vật liệu xây dựng, trưng dụng thành chỗ phơi ván bóc cho các xưởng chế biến lâm sản... Tình trạng bày bán hàng quán bán diễn ra phổ biến, đặc biệt là tại các xã bám dọc theo quốc lộ thuộc huyện Bạch Thông, Chợ Mới. Đối với các tuyến nội thị, vi phạm chủ yếu là sử dụng lòng, lề đường, hè phố để họp chợ, đặt biển quảng cáo, làm mái vẩy, kinh doanh buôn bán… ảnh hưởng đến an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Năm 2016, Thanh tra Sở GTVT Bắc Kạn đã tiến hành thanh tra, kiểm tra phát hiện 132 trường hợp vi phạm, trong đó lập biên bản vi phạm hành chính đối với 21 trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ và 01 trường hợp vi phạm thi công trong hành lang an toàn đường bộ, 47 trường hợp đã tự giác khắc phục, chuyển hồ sơ vi phạm cho chính quyền địa phương giải quyết theo thẩm quyền 63 trường hợp.
Tổ liên ngành nhắc nhở người kinh doanh vi phạm lòng lề đường, hành lang giao thông tại thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông).
Ngoài ra, triển khai Quy chế liên ngành số 5425/QC-LN ngày 24/9/2015 giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát, các lực lượng chức năng của hai ngành đã phối hợp với chính quyền địa phương giải tỏa các vi phạm trong phạm vi đất của đường bộ trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ qua các địa bàn huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Pác Nặm, Bạch Thông, Chợ Mới và thành phố Bắc Kạn. Kết quả, tuyên truyền ký cam kết trước khi giải tỏa là 525 trường hợp, trong đó: 504 trường hợp các hộ dân ký cam kết tự giác giải tỏa, 18 trường hợp cam kết tự dỡ bỏ có thời hạn, lập biên bản vi phạm hành chính 3 trường hợp với số tiền là 2,8 triệu đồng.
Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Kạn, tình trạng lấn chiếm, vi phạm lòng lề đường, hành lang an toàn đường bộ còn phức tạp, chưa được xử lý dứt điểm, tái lấn chiếm tại những điểm đã giải tỏa vẫn diễn ra tại nhiều địa phương.
Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do trách nhiệm của một số địa phương chưa cao, chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Nhiều trường hợp vi phạm chưa chấp hành và thực hiện nộp phạt hay dỡ bỏ công trình vi phạm theo quyết định xử phạt hành chính.
Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các vi phạm hành lang an toàn giao thông đã được quy định rõ ràng song thực hiện lại chưa mạnh tay, nhất là đối với những trường hợp bày bán hàng tùy tiện theo kiểu chợ cóc, chợ họp lấn đường hoặc tập kết vật liệu, nông lâm sản, dựng biển quảng cáo… Nhiều địa phương mặc dù tổ chức ký cam kết không vi phạm với các hộ dân nhưng lại không kiểm tra, theo dõi thường xuyên dẫn đến tình trạng tái vi phạm còn phổ biến.
Trên thực tế, với phạm vi nhiệm vụ của lực lượng Thanh tra giao thông vận tải chỉ thực hiện tuần tra, kiểm tra trên các tuyến đường tỉnh và quốc lộ ủy thác, khi phát hiện vi phạm sẽ tiến hành nhắc nhở, lập biên bản hành chính và bàn giao lại cho chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý đường bộ quản lý theo quy định. Việc tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, tháo dỡ công trình vi phạm thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương cấp huyện, xã. Tuy nhiên, việc xử lý còn nhiều bất cập. Căn nguyên phần nào là do sự phối hợp giữa ngành giao thông vận tải với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, thiếu cương quyết trong xử lý vi phạm nên có giải tỏa vi phạm cũng chỉ là giải quyết được phần ngọn, chứ chưa giải quyết được gốc rễ của tình trạng vi phạm.
Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giao thông vận tải trong năm 2017. Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế liên ngành 5425 của Bắc Kạn ban hành kế hoạch phối hợp, trong đó yêu cầu lực lượng liên ngành khảo sát thống kê, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
Từ đầu năm đến nay,Thanh tra Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn đã phối hợp với lực lượng chức năng Công an huyện và các đơn vị quản lý đường bộ, UBND các huyện, xã thuộc địa bàn huyện Bạch Thông, Chợ Mới thực hiện kiểm tra, tuyên truyền, tổ chức thống kê các trường hợp vi phạm lòng, lề đường, rãnh dọc, các trường hợp xây dựng công trình trái phép trên phạm vi đất dành cho đường bộ, hành lang an toàn đường bộ. Kết quả kiểm tra tại huyện Bạch Thông có 116 trường hợp vi phạm, trong đó: 89 trường hợp đã tự giác tháo dỡ, 27 trường hợp cam kết tự tháo dỡ. Tại huyện Chợ Mới, có 98 trường hợp vi phạm, trong đó: 40 trường hợp đã tự tháo dỡ, 58 trường hợp cam kết tự tháo dỡ, dịch chuyển.
Theo đồng chí Bùi Văn Hải, Phó Chánh Thanh gia Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn: Với trách nhiệm là cơ quan chủ trì triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế 5425 của tỉnh, trong năm 2017 Thanh tra Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn phối hợp với lực lượng Công an và các địa phương tiếp tục tăng cường giải tỏa vi phạm trong phạm vi đất của đường bộ, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Tiến hành khảo sát, thống kê vi phạm tại các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, nhắc nhở các hộ dân tự giác tháo dỡ, dịch chuyển nếu như quá thời hạn cam kết không dỡ bỏ tổ công tác sẽ tiến hành xử lý, lập biên bản vi phạm hành chính và cưỡng chế, giải tỏa. Kết thúc đợt giải tỏa, tổ công tác bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch lại cho chính quyền địa phương các xã, thị trấn và đơn vị quản lý đường bộ quản lý. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để và đạt hiệu quả bền vững thì UBND cấp xã, thị trấn cần kịp thời phối hợp với các lực lượng chức năng lập biên bản xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh và cương quyết xử lý, giải tỏa trên địa bàn quản lý.
Giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ là một giải pháp quan trọng góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng và chấp hành những quy định về an toàn giao thông đường bộ./.