Thời gian qua, vấn nạn lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ diễn ra ngày càng phức tạp, gây mất an toàn giao thông. Để xử lý hiệu quả và dứt điểm tình trạng này, các địa phương cần vào cuộc đồng bộ, quyết liệt.
Người dân lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ trên Quốc lộ 25
đoạn qua thôn Đông Phước (xã Hòa An, huyện Phú Hòa)
Nhiều vi phạm
Theo Sở GTVT Phú Yên, để đảm bảo an toàn cho các phương tiện khi tham gia giao thông, ở các tuyến đường lớn, có mật độ xe cộ đông đúc như quốc lộ, tỉnh lộ, ngành chức năng đều bố trí hành lang an toàn giao thông. Hành lang này sẽ mở rộng tầm nhìn cho người tham gia giao thông, tạo độ thoáng cần thiết và cũng là vị trí tránh nạn tạm thời trong trường hợp cần xử lý gấp khi đang tham gia giao thông... Tuy nhiên, thời gian qua, cùng với quá trình đô thị hóa, tình trạng lấn chiếm, xây dựng các công trình trái phép trong đất đường bộ và đất hành lang an toàn giao thông đường bộ xảy ra khá phổ biến, tập trung nhiều nhất trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ (đoạn qua Phú Yên). Đối tượng vi phạm là các hộ dân sinh sống, kinh doanh, buôn bán dọc hai bên đường.
Một trong những nơi xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ nhiều nhất là dọc tuyến Quốc lộ 19C đoạn qua huyện Sông Hinh. Theo Thanh tra Sở GTVT Phú Yên, trong năm 2016, đơn vị đã tuần tra, phát hiện 239 trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn huyện Sông Hinh, tập trung nhiều nhất trên tuyến Quốc lộ 19C. Dọc tuyến này, người dân sống hai bên đường gần như nhà nào cũng vi phạm. Hộ ít thì cắm trụ, giăng bạt để che nắng, mưa; hộ vi phạm nặng thì cất hẳn chái hiên, xây tường rào trên hành lang đường bộ. Nghiêm trọng nhất là hiện nay có nhiều đoạn, người dân ở đây nâng đất, xây nhà, lấp luôn hệ thống thoát nước dọc của tuyến đường khiến cho nước không có chỗ thoát, đọng lại trên mặt đường làm giảm tuổi thọ của đường. Anh Trần Ngọc Thịnh, một tài xế xe tải thường xuyên qua lại tuyến Quốc lộ 19C, cho biết: Bình quân mỗi tháng, tôi chạy xe qua tuyến đường này 2 lần để chở hàng lên Đắk Lắk. Mỗi khi qua các khúc cua, tôi phải hết sức thận trọng vì đường bị khuất, cộng thêm việc các hộ quanh vùng xây tường rào, chái hiên lấn ra sát mép đường càng làm cho tầm nhìn bị hẹp nên rất nguy hiểm.
Trong khi đó, trên tuyến Quốc lộ 25 đoạn qua huyện Phú Hòa, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông chủ yếu là các trường hợp người dân mua bán, họp chợ. Tiêu biểu như đoạn qua xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), mỗi ngày từ khoảng 6 giờ sáng, rất nhiều người chở rau củ, hoa quả và thịt cá tập trung bày bán dọc mép đường; nhiều vị trí, người dân còn lấn luôn xuống lòng đường. Trong khi đó, đoạn đường này khá hẹp, lưu lượng xe cộ lại đông nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Không chỉ các tuyến quốc lộ, hiện nay, trên nhiều tuyến tỉnh lộ, người dân cũng ngang nhiên xâm phạm hành lang an toàn giao thông, bất kể quy định của pháp luật. Dọc tuyến ĐT649 đoạn từ xã An Phú (TP Tuy Hòa) đến xã An Hải (huyện Tuy An), người dân các địa phương này gần như chiếm hết hành lang an toàn giao thông để dựng lều, trại bán quán, hoặc “biến” hành lang đường bộ thành sân nhà...
Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Tấn Chân cho biết: Trong năm 2016, trên các tuyến Quốc lộ 19C, 29, 25 (đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên) và các tuyến tỉnh lộ có 790 trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ.
Chung tay xử lý
Theo Sở GTVT Phú Yên, để tăng cường hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, thông tin đến người dân về những quy định của pháp luật trong vấn đề bảo vệ, sử dụng hành lang an toàn giao thông đường bộ. Thanh tra Sở GTVT cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát, qua đó phát hiện, xử lý 445 trường hợp vi phạm. Nhưng theo thẩm quyền, lực lượng Thanh tra giao thông chỉ có thể lập biên bản vi phạm hành chính. Còn chức năng xử phạt, thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt là của UBND cấp huyện, xã. Tuy nhiên, thời gian qua, các đơn vị này chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác quản lý sử dụng đất dành cho đường bộ, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn, để xảy ra nhiều trường hợp lấn chiếm hành lang đường bộ.
Bên cạnh đó, thời gian qua, chính quyền sở tại cũng chưa thật kiên quyết trong xử phạt; trong khi các quy định, mức xử phạt đối với hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ cũng chưa cao nên chưa đủ tính răn đe. Đến nay, ở các địa phương còn 462 trường hợp vi phạm hành lang đường bộ đã bị cơ quan chức năng lập biên bản nhưng chưa bị xử phạt, dẫn đến hiệu lực xử phạt chưa cao nên người vi phạm “nhờn thuốc”.
Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT, Phó thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Phú Yên cho biết: Để khắc phục những tồn tại nói trên, hạn chế tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ, ngành Giao thông và các địa phương tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân. Cùng với đó, đơn vị đã xây dựng quy chế phối hợp giữa sở với UBND cấp huyện trong xử lý vi phạm lấn chiếm, sử dụng đất đường bộ và đã được các huyện, thị xã, thành phố thống nhất. Theo đó, các đơn vị sẽ được phân định rõ trách nhiệm, từ đó nâng cao nhiệm vụ trong phối hợp xử lý vi phạm lấn chiếm hành lang đường bộ, hạn chế việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.