Long An: Lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ

Thứ sáu, 14/04/2017 08:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Việc lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Long An thời gian qua luôn được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện.

Là cửa ngõ nối liền TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam bộ, với nhiều tuyến đường huyết mạch: Quốc lộ (QL) 1, QL62, QLN2, Đường tỉnh (ĐT) 825,...nên việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ ở địa bàn tỉnh Long An cũng diễn ra khá phức tạp, gây mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông,... Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông.

Quyết tâm lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ

Những năm qua, từ tỉnh đến cơ sở thực hiện nhiều biện pháp lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ. Ngày 05/10/2016, UBND tỉnh Long An  có Văn bản số 4026/UBND-KT về việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh. Từ chỉ đạo này, các ngành liên quan và địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, việc lập lại hành lang an toàn giao thông đường bộ được đẩy mạnh và được thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn.

Ngành chức năng huyện Đức Hòa kiểm tra xử lý tình trạng
lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ

Ngày 29/3/2016, Sở Giao thông vận tải Long An ban hành Kế hoạch số 536 về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ trên 15 tuyến ĐT: 835, 826, 832, 833, 825, 822, 838, 827B, 827C, 831B, 829, 834, 830, 833C và 826C. Từ đây, các trường hợp vi phạm trong phạm vi đất xây dựng đường bộ (phạm vi giải phóng mặt bằng) và phạm vi hành lang đường bộ cũng được thống kê đầy đủ.

Từ cơ sở này, năm 2016 đến nay, Thanh tra Giao thông vận tải phối hợp các địa phương lập biên bản yêu cầu tháo dỡ hơn 1.700 trường hợp vi phạm; đến đầu tháng 3/2017, có gần 300 trường hợp tháo dỡ. Thanh tra Giao thông vận tải cũng phối hợp đơn vị quản lý đường kiểm tra, lập biên bản hiện trường 275 trường hợp đấu nối vào các tuyến ĐT, trong đó có đến 227 trường hợp chưa có phép.

Từ 2016 đến nay, ngành chức năng triển khai cắm cọc mốc giải phóng mặt bằng và mốc lộ giới trên các tuyến ĐT: 830C, 826, 835, 834 và bàn giao cho địa phương quản lý. Hiện đã và đang hoàn tất hồ sơ để tiếp tục cắm cọc mốc giải phóng mặt bằng và cọc mốc lộ giới ĐT: 826C, 827, 832, 831B. Đồng thời, đang triển khai đúc cọc giải phóng mặt bằng và cọc mốc lộ giới để lắp đặt trên các tuyến ĐT: 829, 827B, 825, 822, 831, 827C.

Ngoài ra, việc xử lý các công trình lấn chiếm, họp chợ tự phát sử dụng trái phép hành lang an toàn giao thông đường bộ cũng được đẩy mạnh. Hiện, một số chợ tự phát được xóa: Chợ Cầu Gia Miệng ở xã Lương Hòa, chợ kênh Bà Một ở xã Lương Bình (huyện Bến Lức). Một số chợ: Chợ Bắc Đông trên QL62 (huyện Thủ Thừa), chợ Chiều trên ĐT825 (huyện Đức Hòa) cũng được bố trí, sắp xếp lại.

Bến Lức và Đức Hòa là 2 địa bàn trọng điểm trong thực hiện chấn chỉnh chợ tự phát và lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho biết: “Sau 3 tháng triển khai, đoàn công tác liên ngành kiểm tra, nhắc nhở 1.248 trường hợp vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính 152 trường hợp, tháo dỡ 67 trường hợp, tạm giữ 617 trường hợp bảng hiệu, dù, xe lôi lấn chiếm vỉa hè,...”.

Theo đánh giá của Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Long An - Phùng Văn On, nhìn chung, các ngành liên quan và chính quyền địa phương quan tâm nhiều đến công tác lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ. “Để tránh tái chiếm cũng rất cần sự quyết tâm, thực hiện liên tục của các địa phương. Đối với những tuyến đường còn khó khăn trong việc lập lại trật tự thì phải phân tích, làm rõ nguyên nhân, từ đó có kế hoạch cụ thể để giải quyết” - ông Phùng Văn On nhấn mạnh.

Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Long An - Nguyễn Thanh Sơn cho biết, công tác giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ đạt một số kết quả tích cực. Hiện, việc này lại càng thuận lợi hơn khi nhiều địa phương trong cả nước cũng như trong tỉnh đang triển khai mạnh mẽ chiến dịch lấy lại vỉa hè.

Còn nhiều khó khăn

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, trong việc lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ cũng còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn như, nhiều trường hợp đất xây dựng đường bộ nằm trên đất thổ cư, được cấp giấy đỏ từ trước nên rất khó xử lý; việc giải tỏa công trình xây dựng trong đất hành lang an toàn giao thông đường bộ trên các tuyến ĐT còn gặp nhiều khó khăn bởi đang tồn tại một số vướng mắc do lịch sử để lại như tuyến đường khi được nâng cấp, cải tạo không có kinh phí đền bù đất hành lang an toàn đường bộ. Công tác xử lý chợ tự phát cũng gặp khó vì đa phần các chợ này lại nằm ở gần khu, cụm công nghiệp - nhu cầu nơi đây là có nhưng cái khó là các địa phương lại chưa có kinh phí, mặt bằng để xây dựng chợ cho người dân buôn bán,...

“Tất cả những khó khăn này đòi hỏi phải có sự chung sức, phối hợp đồng bộ để cùng giải quyết của các cấp, các ngành. Có như thế thì việc lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ đạt hiệu quả cao hơn” - ông Sơn nói./.
 

Báo Long An

Nguồn: Báo Long An

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)