Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Quảng Nam đã triển khai, chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp cấp bách đảm bảo ATGT dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam về những việc cần làm ngay để hạn chế tối đa nguy cơ mất ATGT, ông Trương Khuê - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết:
Thống kê 4 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra 72 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 46 người và khiến 53 trường hợp khác bị thương nặng. So với cùng kỳ của năm 2016, TNGT giảm 4 vụ (giảm 12,2%), giảm 6 người chết (giảm 11,5%) và giảm 15 người bị thương (giảm 22,6%). Chuyển biến tích cực vừa nêu là bởi đường sắt và đường thủy nội địa không xảy ra vụ việc đáng tiếc nào. Tuy nhiên, tình hình vẫn hết sức phức tạp, đơn cử là số người chết trên đường bộ tăng 1 trường hợp (tăng 2,22%). Nguyên nhân chủ yếu được xác định là ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông kém. Ở địa bàn huyện Đại Lộc, hạ tầng giao thông, đặc biệt là tỉnh lộ ĐT609B chưa đáp ứng với nhu cầu tăng cao của phương tiện cũng là một yếu tố quan trọng gây nên nhiều vụ tai nạn thương tâm.
Tuyến thủy nội địa Cửa Đại - Cù Lao Chàm (Hội An) cần phải được kiểm soát chặt chẽ trong dịp lễ.
PV: Đợt nghỉ lễ 30.4 và 1.5 năm nay kéo dài 4 ngày, nguy cơ xảy ra va chạm trên đường bộ rất cao. Ban ATGT tỉnh đã có biện pháp gì để kiểm soát tình hình, thưa ông?
Ông Trương Khuê: Ban ATGT tỉnh Quảng Nam đã đề nghị các cơ quan thành viên, Ban ATGT các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nội dung cấp bách. Trên đường bộ, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đang yêu cầu các đơn vị vận tải tăng cường phương tiện phục vụ nhu cầu của hành khách; đồng thời khuyến cáo giám sát, giáo dục đội ngũ lái xe tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn tại đường đèo dốc, đường ngang đường sắt. Tài xế nào không chấp hành đúng quy định về thời gian lái xe, tốc độ xe thì phải xử phạt thật nghiêm. Thanh tra Sở GTVT phải cùng cảnh sát giao thông kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện, kiên quyết không cho xe vi phạm quy định về an toàn, lái xe không có giấy phép, không đủ điều kiện về sức khỏe. Ngăn chặn xe chở quá số người quy định ngay từ bến, điểm đón, trả khách và trong suốt hành trình vận chuyển. Phối hợp với địa phương rà soát, bổ sung hệ thống cảnh báo trên các tuyến giao thông nông thôn; các điểm đấu nối với các quốc lộ 1, 14B, 14D, 14E, 40B, 24C, đường Hồ Chí Minh, Trường Sơn Đông và hệ thống ĐT, đường huyện có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn; kịp thời phát hiện và duy tu, khắc phục hoặc đình chỉ khai thác cầu treo không đảm bảo...
PV: Làm thế nào để việc phối hợp giữa các bên một cách hiệu quả trong đảm bảo ATGT, thưa ông?
Ông Trương Khuê: Việc cấp bách trước mắt để tăng cường biện pháp ATGT trên tuyến ĐT609B, chúng tôi đề nghị Sở GTVT chỉ đạo đơn vị quản lý kẻ vạch tim đường đoạn ngã ba Đại Hiệp - ngã ba Hòa Đông (Đại Lộc), bố trí biển báo cảnh báo, hướng dẫn lưu thông. Tuy nhiên, lãnh đạo Ban ATGT tỉnh cũng yêu cầu UBND, Ban ATGT huyện Đại Lộc chỉ đạo Công an huyện sử dụng hiệu quả cân xách tay đã được Ban ATGT tỉnh trang bị để kiểm soát tải trọng ô tô tải chở vật liệu phục vụ xây dựng, đồng thời sử dụng máy bắn tốc độ thực hiện giám sát tốc độ trên “đoạn đường đen” này. Cạnh đó, chúng tôi tiếp tục giám sát, đôn đốc nhà đầu tư BOT dự án mở rộng quốc lộ 1 thực hiện đúng thời hạn đã cam kết với lãnh đạo Tổng cục đường bộ Việt Nam, UBND tỉnh về việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại những điểm giao cắt nguy hiểm. Vừa qua, Ban ATGT tỉnh cũng đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, công an các địa phương đẩy mạnh tuần tra kiểm soát dịp lễ; xây dựng các phương án tổ chức, điều tiết giao thông; bố trí đủ phương tiện cứu hộ, cứu nạn để giải quyết kịp thời sự cố, không để ùn tắc giao thông kéo dài; có phương án phòng chống, ngăn chặn và cương quyết xử lý hành vi đua xe trái phép trên các tuyến đường trọng điểm.
PV: Trên đường bộ đã được triển khai chặt chẽ, còn ở khu vực đường thủy thì thế nào, thưa ông?
Ông Trương Khuê: Thanh tra Sở GTVT và Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tăng cường quản lý tại bến khách ngang sông và phương tiện thủy chở khách. Khi phát hiện vi phạm, người thực thi công vụ phải kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến trái phép, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, dụng cụ cứu sinh; nhắc nhở hành khách sử dụng áo phao, dụng cụ nổi khi đi thuyền, đò qua sông, hồ. Dịp này, ngành chức năng sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát tại một số bến thủy nội địa trọng điểm: Cửa Đại - Cù Lao Chàm, Tam Hải - Tam Quang... Đồng thời UBND, Ban ATGT cấp huyện phải quản lý chặt hoạt động chở khách ngang sông và cương quyết đình chỉ các bến khách ngang sông trái phép; phương tiện vận tải thủy nội địa không đảm bảo an toàn kỹ thuật; chở quá số người quy định, người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn phù hợp.
Ngày 20/4 vừa qua, Tổ kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa cấp tỉnh đã bắt đầu triển khai đợt cao điểm kiểm soát, xử lý ghe chở cát, sỏi vi phạm không đăng ký đăng kiểm, hết hạn nhưng không đi đăng kiểm, chở quá tải trọng, quá vạch mớn nước an toàn. Đợt cao điểm kéo dài 1 tháng, liên tục suốt 24/24 giờ với điểm chốt chặn tại ngã ba Vòm (Điện Bàn) và cầu Hòa Đông (Đại Lộc).
Đặc biệt, chúng tôi thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh về trật tự ATGT dịp lễ: 0235.3852860, 0915.555001.
PV: Xin cảm ơn ông!