TNGT trên địa bàn TP. Đà Nẵng giảm cả 3 tiêu chí qua các năm

Thứ sáu, 09/06/2017 08:17
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong 5 tháng đầu năm 2017, trên địa bànTP. Đà Nẵng xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 24 người, bị thương 32 người, giảm 2 vụ, giảm 6 người chết và 2 người bị thương so với cùng kỳ năm 2016; không xảy ra tai nạn đường sắt và đường thủy. Đây là thông tin từ buổi làm việc của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng và đoàn công tác Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, do Thiếu tướng Đỗ Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông làm trưởng đoàn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng tại buổi làm việc
với đoàn công tác Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đăng Huy, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng cho biết, những năm qua, thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, được sự quan tâm chỉ đạo quyêt liệt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố, sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong việc thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và chống ùn tắc giao thông, tình hình TTATGT trên địa bàn thành phố đã có sự chuyển biến tích cực; ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ nâng cao; bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, Công an thành phố đã tập trung lực lượng tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, phối hợp với các lực lượng Cảnh sát khác, tăng cường tuần tra kiểm soát, kết hợp xử lý vi phạm theo các chuyên đề trên cơ sở tuyến, địa bàn được phân công, duy trì lực lượng điều hòa, hướng dẫn giao thông tại các nút giao thông trọng điểm, phức tạp giải, quyết kịp thời tình trạng ùn ứ, kết hợp xử lý các hành vi vi phạm TTATGT.

Sở Giao thông vận tải đã tập trung nguồn lực, nhân lực trong công tác tổ chức giao thông, kịp thời xử lý và đẩy nhanh tiến độ khắc phục các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; nghiên cứu cải tạo lại hình học các nút giao thông phức tạp; triển khai việc "cấm đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ" trên 22 tuyến đường, tổ chức giao thông một chiều trên 8 tuyến đường; bổ sung, tăng cường hệ thống đèn tín hiệu giao thông, đèn vàng nhấp nháy cảnh báo tai nạn giao thông (TNGT); lắp đặt hệ thống camera quan sát giao thông trên 10 nút giao thông phức tạp và trên tuyến đường Cách mạng Tháng 8. Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với các lực lượng mở nhiều đợt cao điểm xử lý vi phạm theo các chuyên đề; tập trung lực lượng xử lý nghiêm xe quá tải, xe hết niên hạn sử dụng, tàu thuyền không đạt tiêu chuẩn... hoạt động trên địa bàn thành phố. Qua đó đã được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Kết quả, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giảm cả 3 tiêu chí qua các năm, ùn tắc giao thông kéo dài không xảy ra. Theo thống kê, năm 2016 đã xảy ra 136 vụ TNGT, làm chết 88 người, bị thương 97 người, thiệt hại tài sản trị giá 252,5 triệu đồng. Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 133 vụ, làm chết 83 người, bị thương 93 người, so với cùng kỳ năm 2015, giảm 14 vụ, giảm 9 người chết, giảm 21 người bị thương; TNGT đường sắt xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người, giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2015; TNGT đường thuỷ xảy ra 1 vụ, làm chết 3 người, bị thương 4 người.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình hình TTATGT nhìn chung vẫn còn một số tồn tại như: ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, vi phạm TTATGT vẫn diễn ra phổ biến, nhất là xe khách, xe tải ben vi phạm, xe mô tô, xe máy... tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT; sự gia tăng phương tiện tham gia giao thông cá nhân rất nhanh, dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tuy đã được đầu tư, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn; công tác xử lý vi phạm tốc độ thông qua thiết bị giám sát hành trình còn nhiều khó khăn, bất cập, nhất là việc trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình làm cơ sở xử lý vẫn chưa được tập huấn, chưa quy định cụ thể, rõ ràng trong công tác phối hợp xử lý giữa các lực lượng.

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Tuấn đánh giá cao công tác triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong đảm bảo TTATGT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đặc biệt ở một số nội dung như: bảo đảm TTATGT tại các vị trí đường ngang qua đường sắt, rà soát xóa bỏ các đường ngang dân sinh; sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giao thông và ngành công an; phối hợp, kiểm tra, xử lý phương tiện chở quá tải trọng; xử phạt nguội thông qua hệ thống camera giám sát (đạt tỷ lệ 30% tổng số vụ xử phạt)...

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Thiếu tướng đề nghị thành phố đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị và Kế hoạch của Ủy ban ATGT Quốc gia trong công tác đảm bảo TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và công tác tuyên truyền, bảo đảm TTATGT; trong đó lưu ý triển khai tốt công tác phục vụ, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Tuần lễ Cấp cao Apec 2017 tại Đà Nẵng. Đối với một số kiến nghị của thành phố về chủ trương, kinh phí thực hiện các giải pháp góp phần đảm bảo TTATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; cho phép xây dựng nút giao thông khác mức tại những điểm nóng về giao thông trên địa bàn...

Theo Thiếu tướng, việc thực hiện tốt công tác đảm bảo TTATGT đã góp phần làm cho bộ mặt đô thị Đà Nẵng ngày càng khang trang, hiện đại, ý thức chấp hành giao thông của người dân thành phố có thể nói là cao nhất trong cả nước.

 

 

Cổng TTĐT Đà Nẵng

Nguồn: Cổng TTĐT Đà Nẵng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)