Theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Khánh Hòa, sau gần 1 tháng kiểm tra cho thấy, nhiều doanh nghiệp (DN) đầu mối, bốc xếp hàng hóa tại các bến bãi trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm đến công tác quản lý tải trọng xe. Chính vì thế, việc kiểm soát tải trọng của các phương tiện tham gia giao thông hết sức khó khăn.
Công ty TNHH một thành viên Hằng Hải là đơn vị khai thác mỏ đá trên địa bàn huyện Cam Lâm từ nhiều năm nay. Số phương tiện DN này đang sở hữu gồm: 9 xe ben chở đá, 1 xe đầu kéo và 1 xe đào. Bình quân một ngày, khoảng 11 lượt xe tải ra vào khu vực mỏ khai thác. Sản lượng đá và các sản phẩm từ đá xuất bán lên đến hàng trăm khối mỗi ngày. Thế nhưng, việc quản lý tải trọng phương tiện vận tải chưa được DN quan tâm đúng mức. Mọi số liệu về tải trọng hàng hóa của xe ra vào mỏ chủ yếu được nhân viên ước lượng bằng mắt thường mà chưa có cân điện tử. Ông Trần Văn Hải - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hằng Hải lý giải, sở dĩ xảy ra tình trạng này là do đơn vị ước lượng bán theo thùng xe, khối lượng ghi trên xe nên có sự xê dịch về trọng tải. Đơn vị đã đặt mua cân nhưng còn vướng mắc một số thủ tục nên chưa thể lắp ráp tại mỏ khai thác.
Qua kiểm tra, đoàn Thanh tra của Sở GTVT Khánh Hòa phát hiện DN chưa ký cam kết về xếp hàng hóa lên xe đúng tải trọng, chưa xây dựng quy trình kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải, quy chế kiểm tra xử lý nội bộ. Trong số 9 xe tải DN đang sở hữu thì có 6 phương tiện vi phạm về bốc xếp hàng hóa, trong đó 4 xe vượt quá tải trọng cho phép từ 10 đến 50%, 2 xe vượt tải từ 50 đến 100%.
Theo thống kê của đoàn thanh tra, trong số 31 DN đầu mối mà lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra công tác quản lý tải trọng phương tiện đợt này, có đến 12 đơn vị vi phạm. Số phương tiện chở hàng hóa vượt tải trọng là 75 xe, trong đó 59 xe vượt từ 10 đến 50%, 16 xe vượt từ 50 đến 100% theo đăng ký đăng kiểm. Đặc biệt, tại Nhà máy Đường Cam Ranh, đoàn đã xử lý 20 phương tiện quá tải; Nhà máy Đường Ninh Hòa có 14 phương tiện chở hàng vượt tải trọng quy định. Đối với những sai phạm như trên, đoàn đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 140 triệu đồng.
Thực tế, khi quản lý được tải trọng xe thì DN cũng làm tốt công tác thống kê sản lượng hàng hóa xuất kho, giảm bớt hao hụt trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, càng rõ ràng thì càng khó “qua mặt” cơ quan chức năng nên thời gian qua, việc cấp phép khai thác và kinh doanh mỏ đá trên địa bàn tỉnh vẫn còn phức tạp, có nhiều sơ hở trong công tác quản lý. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế, các DN không lắp cân tải trọng vì vừa tốn kém chi phí đầu tư vừa gây bất lợi về cạnh tranh trong kinh doanh. Chính vì thế, nhiều DN khai thác đá ở Khánh Hòa chậm trễ trong việc thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện, dù rằng quy định về xếp hàng hóa không vượt quá tải trọng đã có hiệu lực từ năm 2015.
Đoàn kiểm tra tải trọng xe tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Diên Khánh
Ông Nguyễn Xuân Mạnh - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Khánh Hòa cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, UBND tỉnh và lãnh đạo sở, Thanh tra Sở đã xây dựng kế hoạch rà soát, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kiểm soát tải trọng xe tại một số đầu mối xếp, dỡ hàng hóa và các phương tiện có dấu hiệu vi phạm tải trọng hoạt động trên tuyến đường giao thông gần khu vực xuất phát hàng hóa. Qua kiểm tra, các đơn vị vi phạm thường không có cân điện tử; không theo dõi được dữ liệu của phương tiện tham gia giao thông. Đối với DN vi phạm, sau khi tiến hành thanh tra, đoàn hướng dẫn Thông tư 35 của Cục Đăng kiểm về xếp hàng hóa lên phương tiện theo đăng ký đăng kiểm, đúng tải trọng cho phép. Ngoài ra, hướng dẫn đơn vị xây dựng quy trình kiểm soát tải trọng và thông báo đến các chủ hàng, nhận xuất hàng hóa đủ tải cho phép.
Hiện nay, tuy lực lượng chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều đợt tuần tra và kiểm soát tải trọng lưu động đối với phương tiện vận tải, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý hơn 350 trường hợp xe quá tải, xử phạt hơn 2,6 tỷ đồng. Điều này cho thấy, tình trạng vi phạm vẫn còn khá phổ biến, chủ yếu xuất phát từ các DN đầu mối. Chính vì thế, nếu làm tốt công tác quản lý tải trọng tại các DN đầu mối thì mới sớm giải quyết triệt để phương tiện quá tải tham gia giao thông.