Hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chiếm hơn 70% khối lượng vận chuyển chung, đặc biệt là vận tải hành khách, có tác động trực tiếp đến đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực kinh doanh bộc lộ nhiều phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn giao thông (ATGT), cần siết chặt quản lý để đảm bảo trật tự ATGT và kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT).
Thanh tra Sở GTVT trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên xe khách.
Bạc Liêu hiện có 16 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, trên 110 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải hàng hóa. Trong đó, xe vận tải khách cố định trên 100 chiếc, xe hợp đồng vận chuyển khách thuê bao gần 200 chiếc, xe buýt gần 80 chiếc, taxi trên 110 chiếc, xe tải trên 700 chiếc.
Đối với tuyến cố định liên tỉnh, tần suất và số lượng phương tiện vận tải hoạt động tập trung đông nhất là tuyến Bạc Liêu - TP. HCM, Bạc Liêu - Cần Thơ, Bạc Liêu - Đồng Nai, Bạc Liêu - Bình Dương. Riêng mạng lưới xe buýt hiện nay đã phát triển nối liền các huyện, thành phố trong tỉnh và qua hai tỉnh liền kề là Cà Mau, Sóc Trăng. Các chuyến xe buýt tấp nập từ rạng sáng đến chiều tối phục vụ các hành trình Ngã Năm Phụng Hiệp - Cà Mau, Bạc Liêu - Vĩnh Châu, Chủ Chí - Gành Hào, Phú Lộc - Láng Trâm, Bạc Liêu - Phước Long, Bạc Liêu - Ngan Dừa - Cầu Đỏ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông cũng như góp phần giảm ùn tắc, TNGT.
Theo Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Sở GTVT), toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 100% các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hoạt động kinh doanh vận tải hành khách được cấp giấy phép kinh doanh theo quy định, các hoạt động vận tải theo từng loại hình đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật và nằm trong tầm kiểm soát của ngành GTVT. Nhằm siết chặt công tác quản lý lái xe kinh doanh vận tải, trong năm qua, đơn vị đã phối hợp tổ chức khám sức khỏe cho lái xe ô tô theo quy định và xét nghiệm, kiểm tra ma túy cho 100% lái xe kinh doanh vận tải.
Mặc dù vậy, hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn thời gian qua vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế. Đó là công tác quản lý điều hành tại một số đơn vị kinh doanh còn khoán trắng cho lái xe, phụ xe; không ký hợp đồng với lái xe, phụ xe; tổ chức quản lý chưa chặt chẽ; việc kiểm tra đôn đốc, giáo dục đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ chưa cao.
Tình trạng phương tiện vi phạm dừng, đón trả khách chưa đúng nơi quy định gây mất trật tự, ảnh hưởng đến ATGT. Bên cạnh đó là tình trạng lập hợp đồng thuê bao vận chuyển hành khách trá hình để đối phó với lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông. Đây là diễn biến chung của nhiều địa phương trong cả nước. Trước tình hình này, nhiều quy định về siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất thực hiện. Điển hình như quy định xe ô tô kinh doanh vận tải dừng hoạt động từ 5 - 7 ngày phải báo cáo cơ quan chức năng. Quy định này nhằm xử lý tình trạng “trốn” thiết bị giám sát hành trình của các lái xe, chủ phương tiện, doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời gian qua, chỉ có gần 77% số phương tiện kinh doanh vận tải thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thực hiện việc truyền dữ liệu thiết bị theo quy định. Số còn lại cố tình trốn tránh nghĩa vụ. Trước thực trạng chung hiện nay và những tồn tại trong hoạt động kinh doanh vận tải diễn ra trên địa bàn, thiết nghĩ Bạc Liêu cần tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải, quản lý tài xế để đảm bảo trật tự ATGT và giảm thiểu tai nạn. Trong đó, cần theo dõi, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.