Bằng biện pháp sử dụng 2 cân kiểm tra tải trọng xách tay, kiểm tra bằng trạm cân điện tử của tư nhân trên đường, thời gian qua, Thanh tra Giao thông vận tải (GTVT) Bình Dương đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép (CHQTTCP) của ô tô vận chuyển hàng hóa trên các tuyến Quốc lộ 1K, Quốc lộ 13 và các tuyến đường trong tỉnh.
Lực lượng CSGT Công an TX.Dĩ An xử lý các trường hợp xe quá tải
trên tuyến Quốc lộ 1K. Ảnh: NGUYỄN HẬU
Trong năm 2017, lực lượng phối hợp đã kiểm tra 3.673 ô tô tải, qua đó phát hiện 1.009 xe vi phạm tải trọng (VPTT), 48 xe vi phạm kích thước thành, thùng. Đã xử phạt tổng số tiền 9,183 tỷ đồng; tước 256 giấy phép lái xe (GPLX). Trong đó, lực lượng Thanh tra GTVT đã kiểm tra 3.325 xe; phát hiện 943 xe VPTT; lập 2.109 biên bản; tước 471 GPLX; xử lý phạt lái xe và chủ xe 8,526 tỷ đồng; phạt 48 xe vi phạm kích thước thành, thùng 379, 40 triệu đồng. Riêng lực lượng Thanh tra GTVT phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, công an các huyện, thị, thành phố trong tỉnh kiểm tra 348 xe; phát hiện 66 xe VPTT. Xử phạt lái xe và chủ xe 656,40 triệu đồng; tước 23 GPLX.
Có thể nói trong thời gian qua, tình trạng phương tiện vi phạm CHQTTCP tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã giảm đáng kể, tuy nhiên, tình hình vi phạm CHQTTCP vẫn còn xảy ra và diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do tại các địa bàn giáp ranh giữa Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh có nhiều cảng, bến bãi, kho hàng, hầm mỏ, từ đó các chủ phương tiện lợi dụng vào ban đêm hoặc thời điểm không có lực lượng kiểm tra để chở hàng quá tải. Một số chủ cảng, bến, kho hàng, hầm mỏ, chủ phương tiện chưa thực hiện nghiêm việc không xếp hàng và CHQTTCP.
Trong khi đó, lực lượng Thanh tra GTVT còn mỏng, công việc chuyên môn nhiều, hệ thống đường giao thông địa phương lại trải dài nên ảnh hưởng đến việc bố trí lực lượng công tác tại trạm cân. Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến đường ngang, đường “xương cá” nên các xe né tránh trạm cân vẫn thường xảy ra. Ngoài ra, có nhiều đối tượng “canh đường” làm ảnh hưởng đến hiệu quả TTKS. Do một số lý do khách quan, hiện nay trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động (KTTTXLĐ) chưa thể triển khai thực hiện được...
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Dương, để khắc phục tình trạng phương tiện CHQTTCP, Sở GTVT Bình Dương tiếp tục chỉ đạo Thanh tra GTVT phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, công an các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp CHQTTCP trên tất cả các tuyến đường quốc lộ và đường địa phương trong tỉnh, nhất là tại các khu vực có kho hàng, cảng, bến để ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi xe CHQTTCP. Tăng cường công tác TTKS tại các giao lộ trọng điểm nhằm ngăn chặn việc tránh Trạm KTTTXLĐ và các tổ công tác kiểm soát tải trọng bằng cân xách tay. Đồng thời thực hiện triển khai trạm KTTTXLĐ theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 177/TB-UBND ngày 10-11-2017 về Kết luận liên quan đến phương án duy tu, sửa chữa, nâng cấp mở rộng đường Bình Chuẩn - Tân Phước Khánh; triển khai Quy chế hoạt động trạm kiểm soát tải trọng xe và kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020” của Bộ GTVT.