Thời gian qua, việc các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của lái xe, chủ xe, chủ hàng, đơn vị xếp hàng.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh phát tờ rơi, tuyên truyền kiểm soát tải trọng xe
và hành lang ATGT cho người dân phường Đại Yên (TP Hạ Long).
Tỉnh Quảng Ninh hiện đang quản lý 803.376 phương tiện (94.426 ôtô; 680.778 môtô; 28.172 xe máy điện), trong đó, xe ô tô tải tự đổ trọng tải >10 tấn có 10.159 phương tiện. Ngoài ra, còn một lượng lớn xe ô tô tải của cá nhân, tổ chức tỉnh ngoài đến đầu tư xây dựng, kinh doanh vận tải tại Quảng Ninh. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến nhu cầu vận tải thiết bị, vật liệu xây dựng rất lớn đã và đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung và công tác quản lý Nhà nước về kiểm soát, xử lý xe chở quá tải, vi phạm cơi nới kích thước thành, thùng trên địa bàn tỉnh.
Nhằm siết chặt công tác kiểm soát xe quá tải trọng, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu lãnh đạo Công an tỉnh, Sở GTVT, Ban ATGT tỉnh cùng các địa phương phối hợp triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Chỉ thị số 32/CT-TTg. Các lực lượng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của các chủ phương tiện và chủ doanh nghiệp với hình thức phong phú đa dạng như: tuyên truyền về tác hại của việc chở hàng quá tải, quá khổ qua các banner, sổ tay; nêu mức xử phạt bằng tiền và hình, thức phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở và trên cụm loa tại 4 nút giao thông quan trọng; phát tài liệu, sách mỏng tuyên truyền nội dung Nghị định 46/NĐ-CP, Thông tư 63/TT-BGTVT để các lái xe, doanh nghiệp, các đơn vị đầu mối bốc xếp hàng hoá, mỏ vật liệu biết thực hiện nhằm ngăn chặn việc xếp hàng quá tải ngay từ gốc. Ngoài ra còn tổ chức ký cam kết không xếp hàng quá tải trọng lên phưong tiện khi tham gia giao thông đường bộ cho 2.595 lái xe, chủ xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, cảng, bến thủy nội địa, đầu mối xếp hàng hóa, mỏ vật liệu, kho hàng trên địa bàn tỉnh.
Để công tác kiểm tra trọng tải được thực hiện tốt hơn, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng duy trì hoạt động 24/24 giờ hàng ngày để ngăn chặn, xử lý tình trạng vi phạm chở quá tải trọng phương tiện. Bên cạnh đó, các lực lượng cũng chủ động khảo sát những vị trí phù hợp khác trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ có tình hình giao thông phức tạp, lưu lượng xe chở hàng vượt quá tải trọng để đặt các trạm kiểm soát tải trọng lưu động; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát phòng, chống tiêu cực trong lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe; đề xuất xử lý nghiêm đối với cán bộ, chiến sỹ không hoàn thành nhiệm vụ tại các trạm cân.
Công an TX Đông Triều kiểm tra tải trọng phương tiện.
Một thách thức không nhỏ đối với công tác kiểm soát trọng tải xe thời gian qua là các hành vi, thủ đoạn không chấp hành các quy định của Nhà nước về kiểm tra, kiểm soát trọng tải xe của lái xe, chủ xe. Biểu hiện thường thấy là lái xe, chủ xe, chủ hàng chở hàng quá trọng tải quy định lén lút hoạt động vào ban đêm, đi đường vòng trốn tránh, né các điểm kiểm tra trọng tải xe. Chỉ trong thời gian ngắn, việc đi đường vòng tránh trạm cân của những xe vận tải đã làm kết cấu hạ tầng giao thông xuống cấp nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân.
Cùng với đi vòng, trốn trạm cân thì một số lái xe điều khiển phương tiện quá tải không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, cố tình chạy tốc độ cao vượt trạm cân, hành vi này thường diễn ra vào ban đêm nên việc ghi hình, chụp ảnh để làm căn cứ xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, tại hầu hết các tuyến đường, nhất là các tuyến trọng điểm về vận chuyển than, đất và hàng hoá, các lực lượng chức năng phải thường xuyên bố trí cán bộ sử dụng cân xách tay được trang bị, lập chốt kiểm tra lưu động tại khu vực cảng, bến, qua các đường chuyên dùng có đấu nối với các tuyến quốc lộ, các đầu mối xếp hàng, các dự án san lấp mặt bằng và các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn...
Nhờ có sự quyết liệt chỉ đạo của tỉnh và sự phối kết hợp của các lực lượng cùng các địa phương mà công tác kiểm soát tải trọng xe thời gian qua đã được triển khai làm tốt. Hầu hết lái xe, chủ phương tiện đã chấp hành, nâng cao nhận thức khi thực hiện xếp hàng và vận chuyển hàng hoá bằng xe ô tô... Điều này thể hiện qua việc xử lý các trường hợp vi phạm trong vòng 1 năm qua; cụ thể, đã có 3.304 trường hợp vi phạm bị xử lý, phạt tiền 20,158 tỷ đồng, hạ tải 2729,417 tấn (trong đó, quá tải 2.351 trường hợp, phạt tiền 18,04 tỷ đồng; thay đổi kích thước thành thùng xe 953 trường hợp, phạt tiền 2, 118 tỷ đồng); đặc biệt, có 7 trường hợp yêu cầu phải cắt bỏ thành thùng xe do vi phạm Thông tư số 42/2014/TT-BGTVT ngày 15/9/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về thùng xe tự đổ, xe xi téc, xe tải tham gia giao thông đường bộ.
Đội CSGT Công an huyện Hoành Bồ kiểm tra kích thước thành thùng của phương tiện trên địa bàn xã Thống Nhất
Mặc dù đạt được kết quả khá tích cực nhưng công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh còn không ít khó khăn. Nguyên nhân là do áp lực đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án quan trọng của tỉnh, của các địa phương, dẫn đến nhu cầu sử dụng một lượng lớn nguyên, vật liệu xây dựng và vì mục tiêu lợi nhuận nên các doanh nghiệp, chủ xe, lái xe lợi dụng sơ hở, bố trí người bám theo lực lượng cảnh sát giao thông di chuyển, sử dụng điện thoại di động, bộ đàm thông báo để phương tiện vi phạm quá tải vận chuyển trên những cung đường ngắn, cắt qua quốc lộ, đường tỉnh, đường chuyên dùng hoặc lợi dụng thời điểm lực lượng chức năng di chuyển đến vị trí khác để chở thêm tải, xếp thêm hàng hóa…; công tác quản lý, kiểm soát phương tiện ở khu vực đang triển khai thi công các dự án xây dựng hạ tầng chưa chặt chẽ, chủ dự án chưa yêu cầu đơn vị thi công lập danh sách xe hoạt động và tổ chức giám sát khối lượng, trọng tải của phương tiện; công tác giám sát việc cắt bỏ thành, thùng xe sau xử lý chưa quyết liệt; một số xe cắt thành, thùng mang tính hình thức để đi đăng kiểm lại, sau đó gia cố bản lề lắp thành thùng lén lút hoạt động…
Trước thực trạng trên, trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng; kiên quyết xử lý các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ. Việc siết chặt kiểm soát xe quá tải trọng cần được tiến hành đồng bộ, triệt để ngay từ các bến, bãi nơi bốc xếp hàng hóa. Cùng với đó, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cũng sẽ được đẩy mạnh nhằm từng bước nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của các lái xe, chủ xe, chủ hàng và doanh nghiệp; coi kiểm soát tải trọng xe là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nhằm góp phần bảo vệ, duy trì tuổi thọ công trình đường bộ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông./.