Đây là kết quả tính từ năm 2017 đến nay của Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và “xe dù, bến cóc”.
Xe khách là đối tượng vi phạm nhiều nhất trong các đợt thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội. Ảnh: HO
Xác định việc xử lý “xe dù, bến cóc” là nhiệm vụ hết sức quan trọng, từ đầu năm 2017 đến nay, Thanh tra Sở đã xây dựng và triển khai 13 kế hoạch chuyên đề kiểm tra. Kết quả, đã phát hiện xử lý 90 trường hợp vi phạm về khai thác bãi đỗ xe, xử phạt 416,5 triệu đồng và 88 phương tiện không có phù hiệu, đón trả khách không đúng quy định, phạt tiền 443,6 triệu đồng.
Đối với các hoạt động vận tải và kinh doanh vận tải khác, Thanh tra Sở đã phát hiện 55 trường hợp xe buýt vi phạm, phạt tiền 48,65 triệu đồng, tước 2 giấy phép lái xe (GPLX); 1.820 trường hợp xe hợp đồng vi phạm bị phạt tiền gần 2,5 tỷ đồng, tạm giữ 34 phương tiện và tước 48 GPLX; 3.458 trường hợp taxi vi phạm, bị phạt tiền gần 2,7 tỷ đồng và phạt tiền trên 5,6 tỷ đồng đối với 4.322 trường hợp vé khách, đã tạm giữ 33 xe và tước 927 GPLX.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, tổng số tiền xử phạt xe dù, bến cóc và vi phạm trong hoạt động vận tải bằng ô tô đã lên tới hơn 10,8 tỷ đồng với 9.656 trường hợp vi phạm, tạm giữ 142 phương tiện và tước GPLX có thời hạn đối với 1.408 trường hợp.
“Sau thời gian tăng cường kiểm tra, xử lý, lực lượng Thanh tra Sở GTVT đã giải quyết dứt điểm 77 điểm vi phạm. Còn lại 6 vị trí vắng bóng lực lượng chức năng, vẫn còn hiện tượng các nhà xe tranh thủ dừng đón trả khách như tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám, quận Hoàn Kiếm; Văn Miếu Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, gầm cầu vượt phố Đàm Quang Trung - Nguyễn Văn Linh (từ số nhà 386 đến cây xăng Ngọc Lâm, quận Long Biên, đường gom Pháp Vân, quận Hoàng Mai và đường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm”, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà khẳng định.
Sau thời gian xử lý kiên quyết của lực lượng chức năng, tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe chạy sai hành trình... về cơ bản đã giảm được đáng kể. Các thông tin phản ánh của người dân và báo chí đều được lực lượng Thanh tra GTVT xử lý kịp thời, giải quyết triệt để không để bức xúc dư luận. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại, khó khăn như lực lượng Thanh tra GTVT mỏng, địa bàn rộng; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện và đội ngũ lái xe chưa tốt, còn tình trạng đối phó; kiểm tra, xử lý đối với xe hợp đồng trá hình còn khó khăn do các quy định pháp luật về loại hình này thiếu chặt chẽ...
Bởi vậy, trước mắt Thanh tra Sở GTVT cần tập trung phối hợp với các cơ quan để tuyên truyền vận động, kết hợp với thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm và xử phạt hành chính, kiên quyết triệt để nhằm ngăn chặn tình trạng tái vi phạm trong hoạt động vận tải khách bằng xe ô tô. Đồng thời, tiếp tục chốt chặn, tăng cường kiểm tra, xử lý chống tái vi phạm tại các điểm phức tạp về đón trả khách không đúng quy định, đặc biệt là 6 điểm còn tồn tại và các điểm mới phát sinh “xe dù, bến cóc”...
Về lâu dài, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, Thanh tra GTVT Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các lượng lượng công an, các cấp chính quyền địa phương để có đủ lực lượng tạo sự thường xuyên, đồng bộ, thống nhất, quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, đặc biệt là việc cưỡng chế, tạm giữ các phương tiện vi phạm “xe dù, bến cóc”.