Ninh Bình: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông đường bộ

Thứ sáu, 09/03/2018 10:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tỉnh Ninh Bình hiện có 7 tuyến quốc lộ, 21 tuyến đường tỉnh cùng nhiều tuyến đường huyện, đường xã, đường đô thị, đường chuyên dùng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 103 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô với 2.513 xe.

Lực lượng chức năng sử dụng cân xách tay kiểm tra, xử lý xe quá tải

Từ năm 2013 đến năm 2016, UBND tỉnh Ninh Bình, các ngành chức năng của tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã ban hành hơn 40 văn bản chỉ đạo triển khai việc kiểm soát tải trọng phương tiện. Riêng trong năm 2016, đã ban hành 17 văn bản chỉ đạo.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/11/2016 về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông đường bộ, ngành Giao thông vận tải, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện và đã đạt được nhiều kết quả.

Đối với công tác tuyên truyền, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo xây dựng 12 pa nô, cấp phát hàng nghìn tờ rơi, căng treo hàng trăm băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về tải trọng xe trên các tuyến giao thông trọng điểm, tổ chức trên 200 buổi tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô gắn loa.

Sở GTVT Ninh Bình tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp, cảng, bến, mỏ, nhà máy, đơn vị sản xuất, kinh doanh, cung ứng vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp vận tải, đội ngũ lái xe trên địa bàn tỉnh thực hiện việc xếp hàng, chở hàng không vượt quá tải trọng cho phép.

Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền về mục đích, yêu cầu của công tác kiểm tra, xử lý xe chở hàng quá tải trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tuyên truyền trực tiếp đến các doanh nghiệp vận tải, cơ sở xếp dỡ hàng hóa và đội ngũ lái xe hiểu rõ tác hại của việc chở hàng quá tải trọng ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông, gây mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, tự giác tháo dỡ, cắt bỏ phần cơi nới, cải tạo trái quy định; phê phán các tổ chức, cá nhân vi phạm về xếp hàng, chở hàng vượt quá tải trọng cho phép, đồng thời biểu dương những đơn vị chấp hành tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng 12 phóng sự, viết 56 tin, bài tuyên truyền về mục đích, yêu cầu của công tác kiểm tra, xử lý xe chở hàng quá tải trọng và hoạt động của lực lượng chức năng trong công tác xử lý vi phạm quá tải giúp các tầng lớp nhân dân, đội ngũ lái xe, các doanh nghiệp vận tải hiểu rõ tác hại của việc chở hàng quá tải trọng ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông, gây mất ATGT, vệ sinh môi trường và tự giác chấp hành.

Phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tổ chức tuyên truyền và ký cam kết chấp hành nghiêm quy định về quản lý hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa; xây dựng văn hóa giao thông đối với chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải, tuyên truyền cho 800 lái xe, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải; tuyên truyền lưu động 421 lượt bằng xe ô tô gắn loa trên các tuyến đường trọng điểm, địa bàn phức tạp về TTATGT.

Các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội của tỉnh và Ban ATGT các huyện, thành phố đã phối hợp với Sở GTVT và Công an tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền tải trọng xe tại các địa phương, cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức phù hợp, đạt hiệu quả.

Năm 2017 trên địa bàn tỉnh có  92 doanh nghiệp thực hiện ký cam kết thực hiện các quy định về tải trọng xe. Lực lượng Thanh tra giao thông đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội dung đã cam kết và đã kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý vi phạm đối với 4 doanh nghiệp cảng thủy, 4 doanh nghiệp nhà máy xi măng, 23 đơn vị bốc xếp và 15 trường hợp lái xe vi phạm về xếp hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép của xe; xử phạt vi phạm hành chính trên 220 triệu đồng, đồng thời yêu cầu khắc phục những tồn tại đối với các nội dung đã cam kết.

Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông quản lý chặt chẽ địa bàn hoạt động của phương tiện; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cơi nới thành thùng xe trái phép, chở hàng quá khổ, quá tải; tập trung kiểm tra, xử lý tại nơi xuất phát hoặc gần các khu vực nhà máy, cảng bến, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi sản xuất, tập kết hàng hóa… kịp thời ngăn chặn các xe ô tô chở hàng quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đường; chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát 113, Cảnh sát trật tự, Công an các huyện, thành phố, Công an xã để thực hiện kiểm soát tải trọng xe.

Lực lượng Thanh tra giao thông, lực lượng Trạm cân thường xuyên phối hợp duy trì hoạt động Trạm cân số 13 trên các tuyến đường trọng điểm có nhiều xe quá tải; đồng thời sử dụng cân điện tử xách tay tập trung kiểm tra, xử lý tại nơi xuất phát hoặc gần các khu vực nhà máy, cảng bến, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi sản xuất, tập kết hàng hóa…để kịp thời ngăn chặn các xe ô tô chở hàng quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đường bộ.

Đã kiểm tra 995 trường hợp; lập biên bản và xử lý đối với 743 trường hợp vi phạm chở hàng quá tải, phạt tiền gần 2,7 tỷ đồng; tước GPLX có thời hạn 139 trường hợp. Công an tỉnh đã chỉ đạo tiến hành rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống cân tải trọng để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời chỉ đạo Công an các huyện, thành phố bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, camera, vũ khí, công cụ hỗ trợ tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý xe ô tô chở hàng quá tải trên tất cả các tuyến giao thông đường bộ; phân công lực lượng, phương tiện tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp chở hàng quá tải trọng, cơi nới kích thước thành, thùng xe và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có xe vi phạm.

Tập trung tại các tuyến QL1A, QL10, QL12B và tuyến đường tỉnh ĐT.477… không để tình trạng đoàn “xe vua” hoạt động trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã phát hiện, xử lý 937 trường hợp vi phạm chở hàng quá tải, phạt tiền gần 11 tỷ đồng; xử lý 188 trường hợp hoán cải, thay đổi kích thước thành, thùng xe, phạt tiền trên 364 triệu đồng.

Hiệu quả rõ nét trong việc thực hiện Chỉ thị 32 của Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông đường bộ là công tác kiểm soát đã đạt được kết quả tốt, tình trạng xe quá tải được kiềm chế, ngăn chặn. ý thức chấp hành pháp luật về tải trọng xe của chủ phương tiện, đội ngũ lái xe được nâng cao, tình trạng lái xe có phản ứng, chống đối, trốn gây khó khăn cho lực lượng thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm giảm. Kết cấu hạ tầng giao thông được đảm bảo hơn và đặc biệt từ việc thực hiện tốt công tác kiểm soát tải trọng xe đã kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Báo Ninh Bình

Nguồn: Báo Ninh Bình

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)