Tình trạng xâm hại hành lang an toàn giao thông (HLATGT) trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua địa bàn tỉnh Bình Định còn diễn ra phức tạp, gây mất ATGT. Ðể xử lý hiệu quả và dứt điểm tình trạng này, các đơn vị có liên quan và địa phương cần vào cuộc đồng bộ, quyết liệt.
Lực lượng Chi cục Quản lý đường bộ III.2 phối hợp cùng cơ quan chức năng kiểm tra,
xử lý một trường hợp lấn chiếm HLATGT QL 1 để mua bán tại thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn).
Vi phạm tràn lan
Theo Chi cục Quản lý đường bộ III.2 thuộc Cục Quản lý đường bộ III (Tổng Cục đường bộ Việt Nam), đầu năm 2018 đến nay, qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 28 trường hợp xâm hại hành lang an toàn giao thông dọc các quốc lộ (QL) qua địa bàn tỉnh với số tiền xử phạt gần 290 triệu đồng. Ngoài phạt hành chính, một số trường hợp nghiêm trọng còn được Chi cục chuyển hồ sơ cho cơ quan CA đề nghị điều tra, xử lý bởi mức độ vi phạm nghiêm trọng.
Ông Lê Minh Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.2, cho biết: “Tỉnh Bình Định có 5 tuyến QL đi qua với tổng chiều dài gần 300 km và 12 tuyến tỉnh lộ với chiều dài 455 km. Đáng nói hiện tượng xâm hại, chiếm dụng HLATGT ở các địa phương diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là ở các huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước và TX An Nhơn, song việc xử lý chưa rốt ráo, thiếu kiên quyết”.
HLATGT trên các tuyến QL, tỉnh lộ ngoài việc bị biến thành “sân phơi” lúa, rơm rạ, nông sản vào mỗi vụ mùa, người dân còn chiếm dụng làm bãi tập kết nguyên vật liệu xây dựng, hoặc cố tình xây dựng trái phép các công trình dân sinh, làm cột điện. Chưa kể, hiện nay hành vi đấu nối giữa các tuyến đường ngang, đường dân sinh với QL đang diễn ra hết sức tùy tiện, gây mất ATGT, nhất là trên 2 tuyến QL 1 và QL 1D.
Tháng 4/2018, Chi cục Quản lý đường bộ III.2 đã phát hiện Công ty TNHH Bá Sanh Đường (ở Hoài Nhơn) đã tự ý phá dỡ 12 m hộ lan mềm bằng thép mạ kẽm, gồm 3 cột và 4 tấm sóng để mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính, đoạn qua Km1145+536 QL1 (thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn). Cục Quản lý đường bộ III đánh giá đây là hành vi phá hoại công trình phòng hộ nghiêm trọng, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, gây nguy cơ mất ATGT cho người và phương tiện khi qua đoạn đường này. Do đó, đơn vị đã có văn bản gửi CA thị trấn Bồng Sơn đề nghị làm rõ, xử lý kiên quyết vi phạm này.
Cuối tháng 5/2018, Chi cục Quản lý đường bộ III.2 còn phát hiện, lập biên bản vi phạm đối với 2 Công ty TNHH Du lịch Bãi Dài và Công ty TNHH Du lịch Casa Marina Resort ở phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) cũng có hành vi tự ý mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính (QL 1D) nhưng chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền…
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Thanh tra Sở GTVT Bình Định đã lập biên bản xử phạt hành chính 7 trường hợp vi phạm HLATGT với số tiền 46,5 triệu đồng; đồng thời, nhắc nhở, vận động hơn 100 trường hợp khác lấn chiếm xây cất tường rào, cổng ngõ, mái hiên, lắp đặt pano, áp phích,… trong HLATGT trên các tuyến tỉnh lộ tự giác tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu.
Cần chung tay xử lý
Dù các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nhưng các hành vi lấn chiếm, xây dựng các công trình trái phép, lều quán, công trình kiến trúc khác trong HLATGT trên các QL, tỉnh lộ ở tỉnh ta để buôn bán, kinh doanh vẫn còn xảy ra, gây mất ATGT. Như hiện nay, hành lang ven hai bên đường QL1 qua địa phận thị trấn Phù Mỹ ( huyện Phù Mỹ) hoặc thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) hay QL19 đoạn qua xã Tây Xuân, thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) đang bị nhiều cá nhân, hộ gia đình chiếm dụng để sử dụng vào mục đích riêng. HLATGT trên Tỉnh lộ 639 qua xã Cát Tiến (Phù Cát), Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam (Hoài Nhơn),… cũng chung tình trạng.
Đề cập tới các tồn tại trên, ông Lê Minh Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.2, nhận xét: “Thời gian qua, chính quyền các địa phương chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác quản lý sử dụng đất dành cho đường bộ, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn, để xảy ra nhiều trường hợp lấn chiếm hành lang đường bộ. Chính quyền sở tại cũng chưa thật kiên quyết trong việc xử lý các trường hợp lấn chiếm HLATGT; mặt khác các quy định, mức xử phạt đối với hành vi này cũng chưa cao nên không đủ tính răn đe”.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, Chi cục Quản lý đường bộ III.2 sẽ tăng cường phối hợp với Thanh tra giao thông tỉnh, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CA tỉnh) và chính quyền các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ HLATGT. Cùng với đó, Chi cục đã xây dựng quy chế phối hợp giữa đơn vị với các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, hạn chế các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo ATGT, góp phần giảm thiểu TNGT trên địa bàn tỉnh.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra Sở GTVT Bình Định cho biết thêm: “Sở GTVT kiến nghị UBND các xã, thị trấn cần nâng cao trách nhiệm quản lý ở địa bàn, nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm HLATGT; đồng thời, phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản Nhà nước về quy định quản lý HLATGT để người dân chủ động nắm bắt, thực hiện nghiêm túc. Chính quyền các địa phương cần xóa bỏ tư tưởng xử lý vi phạm hành lang đường bộ là trách nhiệm của Thanh tra giao thông hoặc các đơn vị quản lý đường bộ trên địa bàn tỉnh. Do đó, để lập lại trật tự HLATGT, giảm hẳn các trường hợp vi phạm thì cần sự chung tay của các đơn vị, địa phương”.